Sinh viên nước ngoài du học châu Âu tăng mạnh, tạo thêm áp lực lên thị trường cho thuê nhà, đặc biệt là tại các nước Anh, Pháp, Hà Lan và Đức. Cuối tháng 9 nhưng nhiều sinh viên tại Pháp vẫn đang tìm chỗ ở do lượng cung chỗ ở sụt giảm, tìm chỗ ở trong ký túc xá hay thuê bên ngoài đều không dễ.
Báo Pháp có bài đăng "Chỗ ở cho sinh viên, còn hơn cả khó", một văn phòng môi giới cho biết: "Mỗi tin rao vặt có nhà cho thuê nhận tới 60 cuộc gọi và 200 thư điện tử hỏi thuê. Mỗi ngày có không ít hơn 50 cú điện thoại hay khách đến tận nơi hỏi xem có phòng cho sinh viên thuê".
Bài báo viết: "Những sinh viên lo ngại đã tìm chỗ thuê từ mùa xuân, nhưng mùa cao điểm vẫn là từ tháng sáu, khi trường đại học bắt đầu gửi giấy mời nhập học. Đến nay tới tháng 10, thông thường là phải thuê được chỗ ở rồi, ổn định còn tập trung cho chuyện học nhưng hiện nay nhiều sinh viên chưa tìm được chỗ ở".
Tại nhiều nước châu Âu, thị trường chỗ ở cho sinh viên thuê bị thu hẹp, không tìm thấy tờ báo nào giải thích được lý do. Tờ Lidové Noviny ra tại Cộng hòa Czech lấy làm ngạc nhiên: "Giới kinh doanh bất động sản vẫn nghĩ giá điện nước mà cứ tăng thế này thì sẽ có thêm nhiều người giữ phòng cho thuê, hầu kiếm thêm chút ít. Thế nhưng chuyện đó không xảy ra". Nguồn cung suy sụp, số lượng rao vặt cho thuê giảm gần một nửa so với năm ngoái. Giá thuê phòng trong ký túc xá cũng tăng, những sinh viên may mắn có được chỗ trong ký túc xá cũng phải trả tiền thuê cao hơn".
Tờ Le nouvel Économiste của Pháp cho rằng thị trường nhà cho sinh viên thuê đang là kênh đầu tư đáng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống.
Bài báo với tựa đề “Chỗ ở cho sinh viên, lợi nhuận dài hạn" có đoạn viết: "Đối với nhà đầu tư, mua căn hộ rồi cho sinh viên thuê là một lựa chọn hay với điều kiện chọn đúng địa điểm. Đầu tư tại thành phố cỡ trung bình cho lợi nhuận cao hơn, vì giá mua ban đầu thấp hơn" còn trong cùng một thành phố nên "đầu tư vào căn hộ gần các trung tâm đại học để đảm bảo lúc nào cũng có người thuê".
Đầu tư sẽ là thuận lợi hơn tại các nước có nhiều sinh viên nước ngoài. Tờ Rheinische Post ra tại Đức viết: "Tình trạng thiếu nhà ở hết sức trầm trọng. Không chỉ ở Đức. Ở Hà Lan cũng vậy, nhu cầu rõ ràng vượt quá nguồn cung, giá thuê nhà đã bùng nổ ở các thành phố lớn như Amsterdam, Den Haag và Rotterdam trong những năm gần đây". "Năm ngoái, số lượng sinh viên nước ngoài tại Hà lan đã tăng 12%", "Hà Lan thiếu khoảng 300.000 chỗ ở cho sinh viên, theo ước tính của một công ty tư vấn". Đầu tư vào chỗ ở cho sinh viên thuê còn là cách bảo toàn vốn liếng trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Tại Việt Nam, dữ liệu trên Batdongsan cho thấy, mức độ quan tâm tới căn hộ cho thuê trong những tháng đầu năm 2022 đã tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại TP HCM, mức độ tăng trưởng đạt gần 62%. Cụ thể, phân khúc bình dân tăng lên 5-8 triệu đồng/tháng trong khi giá ở phân khúc trung cấp là 8-12 triệu đồng/tháng. Riêng phân khúc cao cấp, chủ nhà có thể nhận từ 16-22 triệu đồng/tháng tiền cho thuê căn hộ ở một số khu vực.
Báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam, phân khúc căn hộ cho thuê đang cho thấy những tín hiệu hoạt động ổn định. Cuối năm 2021, nguồn cung trên thị trường đạt khoảng 5.680 căn hộ tương ứng với mức tăng 6% so với năm trước.
Anh Phạm Tuấn, môi giới chuyên cho thuê phân khúc căn hộ dịch vụ, phòng trọ cho biết, đợt này đang vô mùa cao điểm cháy phòng, vì tháng 9, 10 là thời điểm sinh viên bắt đầu nhập học, những phòng trọ ở khu vực trung tâm, tập trung nhiều trường đại học như Bình Thạnh, Tân Bình, quận 3... với mức giá dưới 6 triệu đồng hầu như đã được lấp đầy. Khu vực xa trung tâm như Gò Vấp song có lượng sinh viên lớn, mức giá cũng đã 5-6 triệu đồng với phòng đã có nội thất.
"Sinh viên còn khó khăn khi tìm phòng phải chuyển qua ở sleepbox (dạng ký túc xá với các giường tầng dạng hộp) song một sleep box ở khu Bình Thạnh giá cũng khoảng 2 triệu đồng/giường. Mức giá phòng trọ hiện nay đã tăng dao động từ 10-15%", anh Tuấn cho biết thêm.