Sức sống của căn hộ dịch vụ sau đại dịch

Hoàng Vy
Theo Colliers Vietnam, căn hộ dịch vụ đang có xu hướng dịch chuyển khỏi khu vực trung tâm, đến gần hơn các khu công nghiệp, đón nhận nguồn cung hấp dẫn mới.

Lấp đầy bằng nguồn cung mới

Thị trường căn hộ dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch trong 2 năm qua. Mặc dù được dần cải thiện từ quý IV/2021 nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi do mức độ sẵn sàng cho việc đi lại quốc tế của người dân các nước có những khác biệt nhất định.

Theo Colliers Viet Nam, từ quý III/2021 đến quý I/2022, TP. HCM không có thêm nguồn cung căn hộ dịch vụ mới nào. Dự án ra mắt thị trường gần đây nhất là Somerset Feliz, có vị trí tại trung tâm Thủ Đức với 154 căn do The Ascott Limited quản lý và cũng là dự án duy nhất trong năm 2021. Trong thời gian tới, thị trường dự kiến sẽ chào đón 180 căn hộ dịch vụ từ các dự án Saigon One Quận 1, mang đến cho khách hàng có nhu cầu ở khu vực trung tâm nhiều lựa chọn hơn.

Thời gian gần đây, thị trường căn hộ dịch vụ tại TP HCM đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực trung tâm, không chỉ khu vực quận 1, quận 3 mà cả những khu vực tập trung đông người nước ngoài sinh sống như quận 7, khu Thảo Điền, TP. Thủ Đức. Ngoài ra, các khu vực này còn thuận tiện cho việc di chuyển đến các khu công nghiệp lân cận của Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Vũng Tàu.

can-ho-dich-vu-min-1650535509.jpeg
Căn hộ dịch vụ có xu hướng dịch chuyển khỏi khu vực trung tâm, gần khu công nghiệp

Nguồn cung mới nhất được ghi nhận tại Hà Nội đến từ dự án Fraser Residence Hanoi, đây là khu phức hợp Fraser Residence đầu tiên tại Việt Nam do Frasers Hospitality quản lý, dự án mở bán vào tháng 12/2021 với 216 căn sang trọng. Hơn nữa, số lượng các dự án tương lai tại Hà Nội ghi nhận sự gia tăng với các dự án quy mô lớn. Hầu hết các dự án đều được quản lý bởi đơn vị quản lý là The Ascott Limited, trong đó nổi bật là dự án đến từ Sun Group sẽ cung cấp cho thị trường Hà Nội 1.905 căn. Dự kiến trong quý tới, dự án PARKROYAL Serviced Suites Hanoi của Tập đoàn Khách sạn Pan Pacific tại Việt Nam với 126 căn sẽ đi vào hoạt động. Đây là dự án đánh dấu sự ra mắt của thương hiệu PARKROYAL tại thủ đô Việt Nam. Ngoài ra, sự phát triển công nghiệp gia tăng ở Bắc Giang, Thái Nguyên và Hải Dương đã thúc đẩy nguồn cung trong tương lai ở các khu vực ngoại thành Hà Nội.

Cơ hội để hồi phục hoàn toàn

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam trong năm qua đã thu hút lượng lớn cộng đồng chuyên gia nước ngoài. Đây cũng là cơ hội giúp thị trường căn hộ dịch vụ phục hồi và tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh các đường bay quốc tế gần như được khôi phục hoàn toàn. Số liệu của Colliers Việt Nam cho thấy tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI). Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện vào Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn FDI cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, quy trình đón khách quốc tế đơn giản cùng những chính sách mở cửa du lịch đã tạo điều kiện để khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Từ đầu tháng 1, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không, du lịch Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, tăng 300-400% so với cùng kỳ. 

Cũng theo Colliers, quý I/2022, nhiều đơn vị cung cấp căn hộ dịch vụ cho biết vẫn chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược giá, một số dự án thậm chí còn giảm nhẹ giá thuê để thu hút khách hàng, nhưng chủ yếu ở phân khúc hạng B.

Giá chào bán trung bình ở phân khúc hạng A là 31 USD/m2/tháng, trong khi ở hạng B là 23 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy của phân khúc hạng A và hạng B lần lượt là 60% và 50%. Các dự án vẫn đang theo dõi những chuyển biến tích cực khi du lịch được phục hồi vào tháng vào tháng 4 để đưa ra chiến lược mới cho phù hợp. Giá thuê của các dự án vẫn ở mức ổn định so với quý trước. Giá chào thuê trung bình ở hạng A là 30 USD/m2/tháng và 17 USD/m2/tháng ở hạng B. Tỷ lệ lấp đầy của hạng A và B lần lượt là 75% và 65%.