Covid-19 thúc đẩy 3 mô hình bán lẻ mới tại Việt Nam

Phạm Ánh Thúy
Những thách thức mới của thị trường đến từ “cơn địa chấn” dai dẳng Covid-19 đã và đang khiến doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới để thích nghi, tồn tại. Từ đây, 3 mô hình bán lẻ mới đã xuất hiện tại Việt Nam.

Đại diện Colliers Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến ngành bán lẻ tại Việt Nam. Những thách thức mới đến từ nhu cầu tiêu dùng, các biện pháp giãn cách xã hội, tránh tụ tập, hạn chế đi lại theo thông tư của Chính phủ đối với các làn sóng Covid-19 đã thay đổi thị trường bán lẻ và làm xuất hiện 3 mô hình mới.

Mô hình Cửa hàng trong cửa hàng (shop in shop)

Doanh nghiệp mở rộng thị trường và tiếp cận người tiêu dùng bằng cách bán các sản phẩm của mình tại những chỗi/hệ thống cửa hàng sẵn có của nhãn hàng khác. Ví dụ rõ ràng nhất cho mô hình này là việc nước uống của Phúc Long bày bán tại các siêu thị bán lẻ của VinMart+. Động thái này được thực hiện thời gian gần đây, sau khi “ông lớn” Masan mua lại 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage và hợp tác mô hình kiốt Phúc Long với nhãn hàng.

Theo Colliers Việt Nam, mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực. Bằng việc sử dụng các mặt bằng sẵn có, nhãn hàng được “trú chân” cũng sẽ góp phần thu hút cho điểm bán những khách hàng tiềm năng ở nhiều phân khúc khác nhau, gia tăng trải nghiệm và tiện ích của người mua.

Mô hình là phương pháp tuyệt vời giúp các nhãn hàng và doanh nghiệp bổ khuyết cho nhau, gia tăng lợi thế kinh doanh. Những cửa hàng thức ăn, đồ uống không thể đón khách vì dịch, có thể chia nhân lực phụ trách kiốt tại các điểm bán của hệ thống/chuỗi cửa hàng bán lẻ, tránh việc kinh doanh ngừng trệ và duy trì nhân lực sẵn có. Ngược lại, kiốt bán lẻ sẽ mở rộng phạm vi khách hàng và đa dạng hơn nguồn hàng hóa của chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi.

blur-supermarket-aisle-with-empty-red-shopping-cart-56345-232-1622965713.jpeg
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang có nhiều cách để "sống sót" và tăng trưởng doanh thu giữa dịch Covid-19.

Mô hình cửa hàng đa thương hiệu (multi-brand store)

Với mô hình này, đến cửa hàng của một nhãn hàng, bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn từ nhãn hàng khác. Đơn cử như các cửa hàng PNJ vốn chỉ tập trung bán các sản phẩm của hãng, nay đã phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora. Theo Colliers Việt Nam, bày bán cả thương hiệu quốc tế giúp PNJ nâng cao thương hiệu, thu hút mạnh hơn khách hàng mục tiêu.

Sự kết hợp của thương hiệu trong nước với nước ngoài trên các chuỗi cửa hàng phân phối sẵn có được đánh giá sẽ giúp nhãn hàng ngoại nhập hòa sâu vào thị trường nội địa, gia tăng doanh số của hãng, tiết kiệm chi phí mặt bằng cũng như thiết lập kênh bán hàng.

Bên cạnh đó, có một số các mô hình có thể coi là “lai” giữa hai mô hình trên. Đó là câu chuyện một số cửa hàng Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động thử nghiệm bán xe đạp của thương hiệu RoyalBaby, Giant hay Fornix.

Mô hình Bán hàng đa kênh (omni-channel)

Đây là mô hình phát sinh dễ gặp và đang bùng nổ hiện nay. Trên nền tảng công nghệ, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ - trang web e-commerce đến trung tâm chăm sóc khách hàng và mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung. Theo đó, khách hàng tiềm năng có thể đăng nhập và thao tác trên mọi nền tảng vào bất kỳ lúc nào, nơi nào.

Ví dụ như dịch vụ đi chợ hộ, đi chợ dùm bạn đang nảy nở ở một số tỉnh thành hiện nay. Khi dịch bệnh còn kéo dài và các làn sóng Covid-19 còn chưa biết sẽ dừng lại hay chưa, nhiều thương hiệu bán lẻ nhận ra nhu cầu và áp dụng để đáp ứng tốt nhu cầu này. Người tiêu dùng đặt hàng qua ứng dụng và nhân viên sẽ lấy/mua sản phẩm giao tận nơi cho khách hàng. Theo cách này, người tiêu dùng thoải mái mua sắm mà doanh nghiệp bán lẻ hạn chế được ảnh hưởng, duy trình doanh thu.

Những ứng dụng này còn được tiếp sức bởi các “đính kèm” liên quan đến phân tích hành vi người dùng. Người dùng sẽ được facebook, các website “vô tình” nhắc nhở đến một món hàng đang có ý định mua, hay đã chọn trên ứng dụng nhưng chưa mua.

3 mô hình trên đều là những mô hình khả thi, đã xuất hiện và đang bộc bộ nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình hiện nay ở Việt Nam. Tiết kiệm chi phí, thời gian nhanh chóng tiếp cận khách hàng, mô hình đã và sẽ sớm được nhân rộng không chỉ với những nhãn hàng lớn, tiếng tăm mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với những bước đi linh hoạt đang hình thành, ngành bán lẻ tại Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19.

Chiêu An