Chủ tịch Vingroup rót vốn nghìn tỷ vào công ty BĐS mới
Ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) vừa qua đã thông báo với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chuyển quyền sở hữu gần 243,5 triệu cổ phiếu VIC sang cho Công ty CP Quản lý và đầu tư bất động sản VMI. Tổng giá trị khoảng 16.200 tỷ đồng.
Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Vượng còn hơn 742 triệu cổ phiếu tại Vingroup. Tỷ lệ sở hữu giảm còn 19,18%, chênh lệch 6,29% so với trước giao dịch. Tuy nhiên tổng sở hữu cổ phần tại Vingroup của ông Vượng và nhóm nhà đầu tư liên quan vẫn ở mức xấp xỉ 63% bao gồm: 19,18% cổ phiếu cá nhân; 33% từ Tập đoàn Đầu tư Việt Nam; VMI nắm 6,29%; và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5%.
Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư bất động sản VMI vừa thành lập vào đầu tháng trước, do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác. Theo công ty, mục đíchh thành lâp là hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.
Chỉ số giá văn phòng TP HCM tăng trưởng
Tình hình địa ốc nói chung từ đầu năm 2022 đến nay bất ổn định vì nhiều lý do, bao gồm cả việc siết tín dụng và giá nhà đất liên tục biến động ở hầu hết các phân khúc, bao gồm cả văn phòng. Song sau 3 quý liên tục sụt giảm, báo cáo SPPI cho thấy các chỉ số văn phòng khu vực ngoài trung tâm đang có tốc độ tăng trưởng về giá khá nhanh.
Cụ thể, chỉ số của khu vực ngoài trung tâm đã tăng lên 111 điểm trong quý III, tương đương bật lên 4 điểm theo quý và 7 điểm theo năm. Tỷ lệ lấp đầy ở khu vực ngoài trung tâm cũng tăng thêm 2 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm lên 91%. Về phía giá thuê, các nhà đầu tư có thể dần “thả lỏng” khi có dấu hiệu tăng nhẹ 1% theo quý và 3% theo năm.
Riêng khu vực trung tâm vẫn là điểm sáng khi đạt 109 điểm, tăng 3 điểm theo quý và 7 điểm theo năm nhờ công suất thuê 2 điểm và giá thuê tăng 1% so với quý trước. Nhóm văn phòng Hạng A có mức tăng giá thuê cao nhất là 3% theo quý và 2% theo năm.
Hàng loạt doanh nghiệp môi giới BĐS đóng cửa
Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp môi giới bất động sản tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ảm đạm trong khi giá nhà vẫn tiếp tục tăng, nguồn cung mới khan hiếm, chủ yếu xả rổ hàng tồn… khiến thanh khoản “yếu ớt” là một số lý do khiến giao dịch kém khả quan, dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa chịu lỗ.
Đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đã lên tới gần 1.000, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn do phải chịu âm tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh… Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.
Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới của FERI cho thấy cuối năm 2022-2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm. Hệ quả là nguồn cung có thể tiếp tục trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng do tiếp tục siết quản lý bất động sản, trong khi các dự án nhà ở xã hội chưa thể triển khai.
Fed có thể chỉ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tháng tới
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 10, có thể là cơ sở để Fed hạ tốc độ tăng lãi suất xuống còn 50 điểm cơ bản vào tháng tới.
Đây là kết quả dự báo của 78 trong số 84 nhà kinh tế được Reuters khảo sát từ ngày 14 đến 17/11. Với mức tăng này tại cuộc họp chính sách ngày 13-14 tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed có thể đưa lãi suất lên 4,25-4,50%.
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã bất ngờ giảm xuống dưới 8% vào tháng trước. Kết quả củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn trong tương lai, sau bốn lần liên tiếp tăng 75 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò mới nhất của Reuters dự báo lạm phát trong năm 2023 và 2024 cao hơn một chút so với mức đưa ra một tháng trước. Điều này cho thấy chưa đến lúc để Fed xem xét dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ.
Lãi suất cơ bản mà Fed đã tăng từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ đạt mức cao nhất (tối thiểu 4,75-5%) vào đầu năm sau, cao hơn 25 điểm cơ bản so với mức đưa ra trong cuộc thăm dò tháng 10.
Giá vàng hôm nay 21/11: trên đà tăng giá
Mở cửa thị trường ngày 21/11, giá vàng 9999 hôm nay của SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng so với kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước.
Cụ thể, giá vàng 9999 được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cập nhật vào lúc 8h28' và giá vàng 9999 được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết vào lúc 8h35' như sau:
Thị trường chứng khoán đón tín hiệu tích cực
Tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục giảm mạnh trong hai phiên đầu tuần trước áp lực bán giải chấp mạnh tại nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Thậm chí, chỉ số VN-Index thủng mốc 900 điểm, về mức 873,8 điểm trong phiên sáng 16/11 - đáy gần 25 tháng trong bối cảnh áp lực bán dâng cao (chủ yếu từ dòng tiền nội) khi hoạt động bán giải chấp tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy được kích hoạt sau đó khi xuất hiện những tín hiệu hỗ trợ thị trường từ Chính phủ. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,6%, lên 969,33 điểm, HNX-Index tăng nhẹ lên 190,87 điểm. Thanh khoản gia tăng rõ nét (giá trị tăng 11,4% trên HoSE, trong khi khối lượng tăng 24% so với tuần trước) và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Trong tuần qua, khối ngoại gom ròng 5.150 tỷ đồng trên sàn HoSE và HNX, tập trung vào một số mã cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và thép. Đây là tuần thứ hai liên tiếp khối ngoại mua ròng. Tính từ đầu tháng 11, khối ngoại mua ròng hơn 8.300 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu bất động sản trong tình trạng bán giải chấp tuần trước được “giải cứu” trong tuần qua như DIG, BCG nhờ dòng tiền bắt đáy mạnh. Tuy vậy, Novaland (NVL) và Phát Đạt (PDR) vẫn giảm sàn (tuần này mất trên 30%/cp).
Hà Nội kiên quyết bài trừ chủ đầu tư sai phạm
UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng bất cứ quy định nào (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) được tham gia đầu tư dự án mới…
HoREA kiến nghị Tổ công tác gặp trực tiếp doanh nghiệp địa ốc
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng. Đơn vị cùng các doanh nghiệp kỳ vọng Tổ công tác có thể khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết tháo gỡ “vướng mắc, khó khăn” cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại sớm. Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phấn khởi và kỳ vọng quyết định lần này có thể góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Để sớm triển khai hiệu quả, phía HoREA đã kiến nghị Tổ công tác gặp trực tiếp các doanh nghiệp để lắng nghe và giải đáp các vấn đề còn vướng mắc, nhất là khâu pháp lý. Hiện nay có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại vướng mắc vấn đề này dẫn đến trì trệ. Hiệp hội kỳ vọng khi tháo gỡ các điểm khó này, ngành BĐS trong nước và tại TP HCM có thể sớm phục hồi, phần nào lấy lại "niềm tin" và ổn định "tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư".
Theo VnEconomy, CafeF, Thanhnien, VnExpress