Trước nghị trường, Bộ trưởng thừa nhận thị trường bất động sản hiện nay còn một số hạn chế, bất cập như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa; cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản thiếu hợp lý.

Mặt khác, cả nước thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và có sự chênh lệch rõ rệt với thu nhập của người dân.

Đáng chú ý, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn diễn ra phổ biến.

Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều khó khăn, khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm, số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế.

chuyen-gia-nhan-dinh-thi-truong-bds-1667528538.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá thị trường bất động sản trong nước còn nhiều hạn chế

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro.

Hiện nguồn vốn chú yếu đến từ tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án. Thị trường chưa được tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn ổn định.

Nhìn chung, thị trường bất động sản biến động do chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô; các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh đầu tư bất động sản; nguồn cung các loại bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu; chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản bị hạ thấp hoặc thắt chặt; thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản…

Thời gian tới, Bộ trưởng dự báo thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn.

Về giải pháp, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ có giải pháp liên quan đến huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng của các dự án đang triển khai để tạo nguồn cung cho thị trường.