Tiềm năng bất động sản công nghiệp

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam là khoảng 85%.

Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỉ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%.

Năm 2022, trái ngược với tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản nói chung, giá thuê bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tăng khoảng 10% so với kỳ trước. Cụ thể, giá thuê đạt trung bình 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam, do nguồn cung khan hiếm. Trong đó, tại các khu công nghiệp ở miền Bắc, giá thuê dao động 90-120 USD/m2/chu kỳ thuê.

bat-dong-san-cong-nghiep-min-1665368286.jpeg
Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan

Tại khu vực miền Nam, TPHCM ghi nhận giá thuê trung bình cao nhất, dao động 180-300 USD/m2/chu kỳ thuê; tiếp theo là Long An khoảng 125-275 USD/m2/chu kỳ thuê; Bình Dương 100-250 USD/m2/ chu kỳ thuê; Đồng Nai 100-200 USD/m2/chu kỳ thuê.

Khi nhận định về các phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2023, Savills Việt Nam (Tập đoàn Tư vấn và đầu tư bất động sản quốc tế Savills) nhìn nhận bất động sản công nghiệp sẽ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, trong năm 2022, nhóm đất công nghiệp tại các địa phương như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bắc Giang, Hưng Yên... ghi nhận mức tăng giá 30-40% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 khi làn sóng đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam.

Các chuyên gia của Savills cho rằng, hiện Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh các kế hoạch phát triển mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng trên cả nước. Theo đó, khi hạ tầng phát triển, giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương gia tăng và kéo theo các thị trường dịch vụ hậu cần, kho lạnh tăng trưởng mạnh.

Nói về tiềm năng của thị trường, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, năm 2022 phân khúc như bất động sản công nghiệp đang thu hút hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và dự báo phát triển tích cực hơn. Bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn sở hữu vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là các khu bất động sản công nghiệp vẫn đạt công suất hoạt động cao cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefiled cho rằng, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Vì vậy cùng với các yếu tố khác, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực.

Đai diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBSC) cho hay, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử đã chọn Việt Nam là điểm đến. Chính vì thế, giá thuê bất động sản công nghiệp năm 2023 dự báo sẽ còn sôi động hơn rất nhiều.

Cũng theo thống kê, bất động sản công nghiệp có lợi suất đạt 8 - 11%. Trong khi đó, lợi nhuận trung bình của nhà cho thuê chỉ vào khoảng hơn 4%/năm. Năm 2023, dự báo giá cho thuê bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.

'Rộn ràng' đón sóng đầu tư quốc tế

Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp nhằm đón sóng nhu cầu bùng nổ khi làn sóng đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam.

Mới nhất, FECON Hiệp Hòa vừa nhận được quyết định trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án Cụm Khu công nghiệp (KCN) Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang với diện tích 75ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

du-an-cum-cong-nghiep-danh-thang-doan-bai-bac-giang-1675049976.jpg
Dự án Cụm Khu công nghiệp (KCN) Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang với diện tích 75ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Ở dự án này, thời gian triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ năm 2023 và bắt đầu khai thác từ quý III/2024. 

Tại tỉnh Bình Dương, Tập đoàn VSIP Group cũng đang triển khai thi công KCN VSIP III theo mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững. Dự án có tổng diện tích dự kiến 1.000ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, thời gian thực hiện dự án là 50 năm, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tập đoàn VSIP Group, tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm các doanh nghiệp lớn, hướng tới các tiêu chuẩn bền vững, nâng tầm phát triển của mô hình khu công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững. 

Như vậy, doanh nghiệp này hiện có 12 dự án trên cả nước với tổng diện tích đất hơn 10.000 ha, thu hút 17 tỷ USD vốn đầu tư và 860 khách hàng đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ; tạo việc làm cho 300.000 lao động.

Riêng tại tỉnh Bình Dương đến nay đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 12.662ha; trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962ha. Tới đây, Bình Dương sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.