Những rắc rối từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Hoàng Vy
Căng thẳng khủng hoảng kéo dài của bất động sản Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực khác, điển hình như cuộc đình công thế chấp gần đây đã làm giảm niềm tin vào thị trường.

Kể từ năm ngoái, các nhà đầu tư đã lo lắng vấn đề tài chính của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có thể lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Hai tháng qua, nhiều người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp của họ đã khiến chủ đầu tư gặp khó khăn, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.

Các nhà phân tích của Fitch cho biết: “Nếu không có chính sách can thiệp kịp thời và không đáp ứng được hiệu quả, tình trạng khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc".

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, Fitch phân tích trong vòng 12 đến 24 tháng có thể tác động với hơn 30 loại hình doanh nghiệp và tổ chức chính phủ. Rắc rối bất động sản của Trung Quốc có thể tràn sang các lĩnh vực chính khác nếu vấn đề vẫn tiếp diễn và ba doanh nghiệp cụ thể dễ bị tổn thương nhất bao gồm:

bds-trung-quoc-min-1660790351.jpeg
Tình hình căng thẳng của thị trường bất động sản đã làm ảnh hưởng nên những lĩnh vực khác tại Trung Quốc

Thứ nhất, công ty quản lý tài sản nắm giữ một lượng lớn tài sản được hỗ trợ bởi các tài sản thế chấp liên quan đến bất động sản, khiến họ phải đối mặt với tình trạng khó khăn kéo dài của thị trường, báo cáo cho biết.

Thứ hai, các công ty cơ khí, xây dựng (không thuộc sở hữu nhà nước) gặp khó khăn kể từ năm 2021... khi không có lợi thế cạnh tranh trong việc tiếp cận dự án cơ sở hạ tầng hoặc tiếp cận nguồn vốn so với các đồng nghiệp. 

Thứ ba, nhà sản xuất thép quy mô nhỏ, nhiều công ty đã hoạt động thua lỗ trong một vài tháng và có thể đối mặt với các vấn đề thanh khoản khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn mờ nhạt, tỷ lệ đòn bẩy trong lĩnh vực này cao. Đặc biệt ngành xây dựng chiếm 55% nhu cầu thép ở Trung Quốc.

Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đã kéo theo các chỉ số kinh tế như đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ. Số lượng người mua nhà tạm ngưng thanh toán thế chấp đối với các dự án bị đình trệ gia tăng cho thấy tình trạng khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đang trở nên trầm trọng.

Dữ liệu Fitch cho thấy doanh số bán nhà ở dân cư đã giảm 32% trong nửa đầu năm nay so với một năm trước. Báo cáo chỉ ra 100 nhà phát triển lớn nhất có thể tiếp tục chứng kiến ​​hiệu suất tồi tệ hơn với doanh số bán hàng giảm 50%.

Trong trường hợp giả định doanh số bán bất động sản của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại vào năm tới, các nhà phân tích cảnh báo rằng “sự suy giảm niềm tin của người mua nhà có thể cản trở đà phục hồi doanh số mà chúng ta đã thấy trong tháng 5 và tháng 6”.

Kể từ cuối tháng 6, nhiều người mua nhà đã tạm dừng thanh toán thế chấp để phản đối sự chậm trễ xây dựng đối với các căn hộ mà họ đã trả tiền, khiến doanh số bán hàng trong tương lai và nguồn vốn của các chủ đầu tư gặp rủi ro.

Fitch tin rằng sự gia tăng gần đây về số lượng người mua nhà tạm ngừng thanh toán thế chấp do các dự án bị đình trệ cho thấy nguy cơ khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc ngày càng sâu sắc, vì niềm tin suy giảm có thể cản trở sự phục hồi của ngành, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.

Trong số các ngân hàng, Fitch cho biết các ngân hàng nhỏ và khu vực với khoảng 30% tài sản của hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro lớn. Nhưng cơ quan xếp hạng lưu ý rằng rủi ro đối với các ngân hàng Trung Quốc nói chung có thể tăng lên nếu các nhà chức trách nới lỏng các yêu cầu cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn. 

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải chịu áp lực gia tăng khoảng hai năm trước khi Bắc Kinh bắt đầu trấn áp việc các công ty phụ thuộc nhiều vào vay nợ để tăng trưởng.

Những con số như tỷ lệ trống căn hộ cho thấy mức độ lớn của các vấn đề bất động sản. Theo báo cáo tuần trước của Viện nghiên cứu Beike, một đơn vị bán và cho thuê bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Ke Holdings, tỷ lệ trống bất động sản ở Trung Quốc là 12% trung bình ở 28 thành phố lớn. Báo cáo cho biết con số này đứng thứ hai trên toàn cầu chỉ sau Nhật Bản và cao hơn tỷ lệ trống của Mỹ là 11,1%.

Nếu có nhiều kỳ vọng về giá nhà giảm, những căn hộ trống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên thị trường và mức giảm giá sẽ lớn hơn.

Năm nay, nhiều chính quyền địa phương bắt đầu nới lỏng các hạn chế mua nhà trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực bất động sản. Nhưng ngay cả với các cuộc biểu tình thế chấp mới nhất, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái hỗ trợ quy mô lớn.

“Ngay cả khi các nhà chức trách can thiệp mạnh mẽ, có nguy cơ người mua nhà mới sẽ không phản ứng tích cực với điều này, đặc biệt là nếu giá nhà tiếp tục giảm và triển vọng kinh tế tổng thể bị che khuất bởi tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu”.

Các nhà phân tích cho rằng nếu tâm lý thị trường yếu vẫn tiếp diễn trong phần còn lại của năm nay, các ngành được phân tích có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm tới.