Thực tế, Hoa Sen Group đã từng nhiều lần "lấn sân" bất động sản, nhưng chưa ghi được dấu ấn rõ nét nào trên thị trường. Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết, Hoa Sen hiện đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án tại Đồng Nai, đón đầu sự phát triển của hạ tầng khu vực này.

Theo ông, dù năm 2024 cổ đông đã thông qua kế hoạch chi 5.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng và lợi thế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Vũ khẳng định Hoa Sen sẽ triển khai dự án một cách bài bản, không lặp lại bài học "bán lúa non" khi pháp lý chưa hoàn thiện như một số doanh nghiệp bất động sản khác.
Trước tham vọng Long Thành, Hoa Sen đã không ít lần thử sức trong lĩnh vực bất động sản. Dự án đáng kể đầu tiên là Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept, thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó Hoa Sen góp 45% vốn. Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, Hoa Sen Group đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại dự án.
Ở mảng nhà ở, tập đoàn từng tham gia 4 dự án bất động sản tại TP.HCM như: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông, Hoa Sen Phước Long B, Hoa Sen Riverview và dự án văn phòng trụ sở Hoa Sen Group. Song các dự án này đều bị rút vốn hoặc chuyển nhượng sau một thời gian ngắn.
Hoa Sen cũng từng thành lập hàng loạt công ty con phục vụ cho tham vọng địa ốc: Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội, Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên, đến năm 2018, tất cả những công ty này lần lượt giải thể do dừng triển khai dự án.
Dù "cái duyên" bất động sản từng nhiều lần lỡ hẹn, Hoa Sen vẫn không từ bỏ tham vọng. Cuối năm 2023, tập đoàn tiếp tục thông qua nghị quyết thành lập Hoa Sen Sài Gòn, nắm giữ 40% vốn, mở ra khả năng một lần nữa tái khởi động chiến lược bất động sản, lần này với tâm thế thận trọng và bài bản hơn.