Căn hộ: Phân khúc chủ lực phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo từ DKRA Việt Nam cho biết, nguồn cung căn hộ sơ cấp năm 2024 đạt 23.459 căn, tăng 6% so với năm trước. TP.HCM và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu nguồn cung, chiếm hơn 90% thị phần. Các căn hộ cao cấp tại TP.HCM ghi nhận giá bán từ 80-130 triệu đồng/m², tập trung tại khu Đông.

chung-cu-starlake1-1736755587.jpg
 

Lượng tiêu thụ sơ cấp tăng 24% so với năm 2023, nhờ các dự án mở bán dịp cuối năm. Giá bán thứ cấp tăng 6-14% tại TP.HCM và 7% ở Bình Dương. Những dự án nằm gần metro số 1 trở thành điểm sáng với mức tăng giá lên đến 25%.

Nhà phố và biệt thự: Chuyển biến tích cực nhưng còn thách thức

Nguồn cung nhà phố, biệt thự tăng 24% trong năm qua. Giá sơ cấp tăng trung bình 4% so với 2023, nhưng thanh khoản vẫn tập trung ở các dự án hoàn thiện pháp lý và gần trung tâm. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng giá khoảng 6%, cho thấy sức hút của nhóm bất động sản cao cấp.

Đất nền: Giao dịch giảm, nguồn cung khan hiếm

Phân khúc đất nền tiếp tục gặp khó khăn với nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ 1%, nhưng lượng giao dịch giảm 15%. Các giao dịch chủ yếu tập trung ở phân khúc giá dưới 50 triệu đồng/m² tại TP.HCM và dưới 25 triệu đồng/m² tại các tỉnh lân cận. Bình Dương vẫn là điểm sáng với tỷ trọng tiêu thụ vượt 64%, nhưng giá sơ cấp giảm trung bình 3% so với năm trước.

TP.HCM dẫn đầu phân khúc cao cấp

Các dự án như Lancaster Legacy, The Metropole và The River Thu Thiem đạt giá sơ cấp trên 8.000 USD/m², khiến người mua chuyển hướng sang Bình Dương, Đồng Nai và Long An, nơi giá hợp lý hơn (1.100-1.500 USD/m²). Dự kiến năm 2025, TP.HCM sẽ ra mắt 50.000 căn hộ từ 17 dự án lớn, nổi bật như The Global City và Eco Smart City.

FDI vào bất động sản tăng mạnh

Dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản Việt Nam, tập trung vào đất phát triển dự án, bất động sản công nghiệp, nhà ở và văn phòng. Sự tăng trưởng này khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến giao thông lớn như metro và đường trên cao được đẩy mạnh.