Anh Trần Bình, chuyên cho thuê căn hộ homestay tại Phú Quốc từ năm 2019, với mức vốn bỏ ra ban đầu hơn 2 tỷ đồng, mong muốn hoàn vốn trong 2 năm. Khi đầu năm 2019, việc kinh doanh hoạt động khá suôn sẻ, bởi hoạt động du lịch tại đây sôi động. 

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2021, từ đầu tháng 5 đến tháng 9, dịch Covid bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu đầu tư của anh. Suốt nhiều tháng liên tục không có khách nhưng anh vẫn phải gồng gánh lãi suất ngân hàng. 

May mắn, từ tháng 9 Phú Quốc được thí điểm du lịch đón khách quốc tế, homestay của anh có cơ hội mở cửa trở lại. Phú Quốc là một trong những điểm đến được khách du lịch trong nước và quốc tế chú ý nên hoạt động kinh doanh homestay của anh có bước chuyển biến tích cực. Rõ nhất trong dịp 30/4 - 1/5 vừa qua, lượng khách du lịch tăng vọt, homestay anh kinh doanh ghi nhận lượng booking tăng đến 30%, hoạt động kinh doanh cũng nhờ thế khởi sắc. 

Năm 2018, chị Minh Anh cùng gia đình mở homestay tại Đà Lạt, được xây dựng ngay chính mảnh đất của bố mẹ, với số vốn 700 triệu đồng. Homestay được xây dựng theo dạng nhà nguyên căn, với mức giá 3-4.5 triệu đồng/đêm phục vụ đối tượng du khách là gia đình, nhóm bạn trẻ, số lượng khoảng 12 người. 

kinh-doanh-homestay-1657252140.jpeg
Lượng khách đặt phòng tại Vũng Tàu tăng mạnh, trong tuần cũng 'cháy' phòng

Trước dịch, mỗi tuần lượng khách thuê vừa kín phòng, dao động từ 3-4 đoàn/tháng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vẫn phải phụ thuộc vào lượng khách du lịch theo mùa lễ hội hay ảnh hưởng của thời tiết. Đặc biệt vào mùa mưa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 thì số lượng khách giảm rõ rệt.  

Việc kinh doanh diễn ra trong hơn 1 năm chưa kịp hoàn vốn thì những đợt dịch ngắn, dài ập tới ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu gia đình. Đợt dịch kéo dài khiến homestay phải đóng băng nhiều tháng liên tục từ 6/2021 đến tháng 1/2022, tức hơn 6 tháng hoạt động kinh doanh mới hoạt động trở lại. Đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh được khởi động khi khách du lịch đã ghé thăm lại Đà Lạt, lượt thuê phòng có nhưng không nhiều, trung bình mỗi tháng có 1-2 đoàn, thời gian nghỉ dưỡng tầm khoảng 2 ngày. 

“Dẫu sao còn có cơ hội mở cửa trở lại, còn có khách ra vào chứ tiếp tục đóng cửa. Nguồn thu chính của bố mẹ đang phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của homestay này", Minh Anh chia sẻ. 

Thời điểm lạm phát, dù mọi chi phí đều tăng cao, đặc biệt như chi phí đi lại cũng phần nào ảnh đến hoạt động du lịch. Nhiều homestay có xu hướng tăng giá nhưng gia đình chị vẫn giữ giá gốc bởi nếu thay đổi giá một chút thôi cũng có thể khiến khách lựa chọn điểm đến khác. 

Có thể thấy, khi du lịch được mở cửa phục hồi trở lại, nhà đầu tư homestay hay các loại hình du lịch ven biển có cơ hội kinh doanh trở lại. Trước đó, nhiều người đã phải gồng lỗ để trả lãi suất, thậm chí dừng hoạt động, phải bán lại với giá rẻ khi nhiều tháng thất thu do ảnh hưởng của đại dịch. Lượng khách du lịch tăng cũng tạo điều kiện cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vực dậy, khẳng định sức hút. Những dự án được đầu tư về không gian với chi phí hợp lý luôn nằm trong danh mục tìm kiếm của những người mong muốn đi du lịch. 

Chị Hoàng Linh, môi giới chuyên booking loại hình villa, homestay tại khu vực Vũng Tàu cho biết, nhu cầu du lịch mùa hè tăng cao, so với những điểm đến khác như Đà Lạt, Phú Quốc thì Vũng Tàu là điểm đến du lịch giá rẻ, có nhiều cảnh đẹp và món ăn ngon. Chỉ cách TP HCM khoảng 2 tiếng di chuyển là có thể trải nghiệm cùng bạn bè hay team building với công ty. Nhu cầu cao cùng mặt bằng các dịch vụ đều tăng đã làm giá thuê phòng tăng song lượt booking vẫn rất mạnh. 

“Lượng booking tăng cao, không chỉ vào những ngày cuối tuần mà trong tuần cũng có hiện tượng cháy vé. Nhu cầu du lịch cao ở mọi phân khúc, từ giá vé rẻ đến hạng cao cấp đều bán tốt”, chị chia sẻ thêm.

Dù hoạt động du lịch đã được phục hồi trở lại nhưng những người đi đầu tư vẫn mang tâm lý thận trọng. Đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng của Covid, nhu cầu tiêu dùng của người dân có phần thay đổi, kể cả khẩu vị du lịch.  

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trong tương lai, chị Minh Anh cho biết vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi mô hình kinh doanh. Hiện tại, căn nhà chị cho thuê thiên về lưu trú nhiều, không được đầu tư quá nhiều về view hay các tiện ích không gian khác. Việc cạnh tranh cũng gay gắt khi chỉ cùng 1 con đường đã có 3 - 4 homestay được mở hay phải quảng cáo để thu hút người thuê. Nếu trước đây, chị quảng cáo trên các app chuyên booking nhưng tình trạng huỷ đơn và mất phí giao dịch từ 15-20% thì nay chị thực hiện rao tin chính trên các hội nhóm du lịch, tiến hành chốt đơn trên đó để vừa dễ dàng theo dõi và tiết kiệm một phần chi phí. 

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5 và tháng 6/2022 lượng khách nội địa lần lượt đạt 12 triệu và 12,2 triệu lượt. Đây là lượng khách nội địa trong một tháng cao nhất tại Việt Nam những năm gần đây. Nhờ đó, lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt (gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019), trong đó có khoảng 8,3 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều điểm đến trên cả nước có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch, nhà đầu tư cũng có cơ hội thở phào nhẹ nhõm.