Thống kê của chuyên trang tài chính Người Đồng Hành cho thấy, 19 doanh nghiệp bất động sản nhà ở có tổng nợ vay đến cuối quý II/2021 là 113.539 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng cao. Tuy nhiên, tình hình nợ vay ngành địa ốc vẫn có điểm sáng khi nhiều doanh nghiệp vẫn kiểm soát và thanh toán được các khoản đáng kể so với hồi đầu năm.
Giảm nợ hàng nghìn tỷ đồng
Dù có tổng nợ vay tài chính cao thứ nhì thị trường nhưng Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) vẫn là doanh nghiệp kiểm soát tình hình tài chính tốt. Tổng nợ vay của doanh nghiệp đã giảm 8% so với đầu kỳ, còn 22.862 tỷ đồng. Xét về giá trị tuyệt đối, số nợ đã được thanh toán trong kỳ lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay khá cân đối giữa nợ ngắn hạn và dài hạn. Nếu so hệ số nợ vay trên tổng tài sản, doanh nghiệp này còn ổn định hơn với mức 0,11 lần, thấp hơn mức bình quân của ngành.
Mới đây, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Vinhomes đã chi 1.140 tỷ đồng để mua lại 12 lô trái phiếu vào giữa tháng 9. Nhờ thế, chủ đầu tư dự án Vinhomes Grand Park đã trả nợ cho các trái chủ trước hạn hơn hai tháng.
Xét về giá trị tuyệt đối không bằng nhưng tỷ lệ nợ vay được giảm tại Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) lại khá ấn tượng. Đến cuối quý II/2021, tổng dư nợ vay của doanh nghiệp này đã giảm 582 tỷ đồng so với đầu kỳ, về mức 2.204 tỷ đồng. Nhờ đó, các chỉ số nợ vay trên tổng tài sản và nợ vay trên vốn chủ sở hữu giảm nhẹ, lần lượt còn 0,22 lần và 0,44 lần.
“Chỉ số đòn bẩy thấp cũng sẽ tạo ra lợi thế cho công ty trong việc tiếp cận các nguồn vốn huy động mới trong tương lai, đặc biệt là ngân hàng và các tổ chức tài chính”, đại diện TTC Land chia sẻ với truyền thông.
Nếu như TTC Land giảm nợ vay về trái phiếu thì Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đã giảm được 900 tỷ đồng nợ ngắn hạn từ nguồn vay ngân hàng, trái phiếu và vay bên khác. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này chỉ còn ở mức 483 tỷ đồng, giảm 66%. Phát Đạt đang là doanh nghiệp địa ốc có mức nợ thấp nhất trong nhóm VN30.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra, tính đến hết quý II/2021, Phát Đạt có khoảng 1.381 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ ở mức thấp và không có dấu hiệu “phình to” trong tương lai gần.
Doanh nghiệp cho biết thêm việc triển khai chiến lược nợ từ ngắn hạn sang dài hạn với các mức ưu đãi về lãi suất sẽ giúp PDR đạt hiệu quả cao trong các hoạt động đầu tư trong tương lai.
Cách cơ cấu nợ trên cũng được bắt gặp ở Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Trong nửa đầu năm, nợ vay ngắn hạn giảm từ khoảng 4.300 tỷ đồng còn 2.100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tổng nợ vay dài hạn tăng từ gần 2.200 tỷ đồng lên 3.750 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm chung gần 2.200 tỷ so với mốc đầu năm.
Tình hình các doanh nghiệp chưa quá tiêu cực
Vấn đề nợ vay tài chính của doanh nghiệp bất động sản bắt đầu nóng từ nửa đầu năm khi nhiều tên tuổi tung loạt trái phiếu với tổng giá trị lớn, lãi suất cao. Gần đây, sự vụ “quả bom nợ” Evergrande là nhân tố thổi bùng lên mối lo ngại trên thị trường. Tuy vậy, theo nhận định của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), việc so sánh Evergrande với các doanh nghiệp Việt Nam không thật sự phù hợp. Đơn vị này chỉ ra rằng, một trong những khác biệt có thể thấy rõ nhất là tỷ lệ nợ vay của tập đoàn này ở một mức rất cao, cao hơn hẳn so với tất cả các doanh nghiệp bất động sản hiện nay tại Việt Nam. Đó mới là nhân tố đẩy Evergrande đến bên bờ vỡ nợ.
Trong khi đó, trang Vietstock ghi nhận, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện tăng vốn sở hữu suốt thời gian qua. Điều này giúp hạ tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu trung bình toàn ngành vào cuối tháng 6/2021 xuống còn 0,32 từ mức 0,92 của cuối quý II năm trước. Điểm lạc quan cần lưu ý khác là vẫn còn 17/94 doanh nghiệp có hệ số trên 1 và gần 47% số doanh nghiệp vượt mức trung bình ngành. Do đó, nhìn chung tỷ lệ nợ vay trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể hiện nhiều sự tiêu cực.