Hành trình trở thành lãnh đạo của các bóng hồng ngành BĐS

Lan Anh
Họ là những "bóng hồng" hiếm hoi lãnh đạo các công ty bất động sản, lĩnh vực ai cũng nghĩ vốn chỉ dành cho đàn ông

Nguyễn Thị Phương Thảo – Tuổi 17: dám nghĩ dám làm

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air được biết đến là người Việt Nam thứ 2 được tạp chí Forbes ghi nhận là tỷ phú đô la, chỉ sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Năm 2004, bà Phương Thảo quyết định về Việt Nam đầu tư vào bất động sản thông qua Sovico Holdings – đây là một doanh nghiệp đa ngành tại đất nước Nga. Dự án đầu tiên mà bà Phương Thảo đầu tư là dự án Furama Resort Đà Nẵng (năm 2005), sau đó, mở rộng dự án với 108 căn biệt thự và dự án căn hộ nghỉ dưỡng Ariyana Condotel Đà Nẵng. Ngoài ra, Tập đoàn Sovico Holdings còn đẩy mạnh đầu tư các khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.

Bà được sinh ra tại Hà Nội và có cơ hội được du học ngành Kinh tế tài chính từ năm 17 tuổi. Với tài năng kinh doanh thiên bẩm, bà dấn thân vào thương trường khi chỉ mới là sinh viên năm thứ 2. Khi nhận thấy thị trường Đông Âu đang trong tình trạng khan hiếm đồ tiêu dùng, bà nhân cơ hội nhập hàng nông sản, điện tử,… từ các nước Châu Á để phát triển hệ thống kinh doanh của mình. Với lối sống “dám nghĩ dám làm” , chỉ sau 3 năm khởi nghiệp bà có trong tay 1 triệu USD.

nguyen-thi-phuong-thao-vietjet-air-1634687689.jpg

“Hãy có cách nhìn lãng mạn về các vấn đề, cùng với sự lạc quan và óc hài hước, bởi vì sự nghiệp của một doanh nhân vốn chẳng bao giờ êm ả. Và những thách thức chỉ có thể vượt qua nhờ tinh thần và thái độ như thế”, bà Thảo chia sẻ.

Nguyễn Thị Nga – Từ xuất nhập khẩu lấn sân bất động sản

“Bóng hồng” Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (Đại học Kinh tế Quốc dân ngày nay). Để củng cố thêm kiến thức kinh tế, bà còn tham gia nhiều trường lớp tại Pháp, Nhật Bản, Đức, Úc. Ngoài ra, bà Nga là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo Tập đoàn kinh tế.

Từ năm 1979 – 2000 là giai đoạn nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga tập trung vào phát triển trong lĩnh vực may mặc và xuất nhập khẩu. Đến năm 2001 là thời điểm bà Nga chuyển mình sang hướng đi mới liên quan đến lĩnh vực tài chính, khách sạn và bất động sản. Trong giai đoạn năm 2000 – 2004, từ cổ đông cá nhân, bà từng bước đi lên và trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank. Sau đó bà cũng bắt đầu tập trung xây dựng đế chế BRG của riêng mình.

nguyen-thi-nga-brg-1634687689.jpg

“Đối với tôi, một người học đại học kinh tế, sau đó trở thành doanh nhân làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho ngành kiến trúc. Khi phát triển các dự án bất động sản, tôi đều xem đó là cơ duyên để thực hiện đam mê đối với kiến trúc để dự án đó ngoài việc đem đến lợi ích về kinh tế – xã hội sẽ mang lại diện mạo đặc biệt cho khu vực.” , bà Nga chia sẻ.

Định hướng ban đầu của Tập đoàn BRG (thành lập năm 1993) chỉ xoay quanh lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng khi sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga dần thăng tiến, công ty cũng vươn rộng ra đa ngành hơn. Nổi bật nhất là Tài chính – Ngân hàng và bất động sản, khách sạn – nghỉ dưỡng, sân golf. Tính đến năm 2021, Tập đoàn BRG với vốn điều lệ là 1.800 tỷ đồng, với hơn 15.000 nhân viên trên cả nước và hiện đang sở hữu rất nhiều bất động sản “vàng” tại khu vực miền Bắc.

Nguyễn Thị Thanh Hương - Mềm mỏng là thế mạnh của phái nữ

Trước khi bén duyên với bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết bà có hơn 7 năm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mới tại tập đoàn đa quốc gia của Anh. Bởi thị trường đa dạng và luôn biến đổi nên đây được xem là hoạt động thiết yếu giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Do đó, người thực hiện đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu và nắm vững quy trình khắt khe để đảm bảo tỷ lệ thành công của sản phẩm khi tung ra thị trường.

“Khi có cơ duyên chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào thời điểm hơn 20 năm trước, với những kinh nghiệm phát triển dự án, sản phẩm mới đã tích lũy, tôi nhanh chóng nắm bắt và triển khai cách làm khác biệt so với các doanh nghiệp bất động sản khác. Điều đó đã góp phần vào thành công ngay từ những dự án đầu tay của tôi với cả ngàn sản phẩm chào bán ra thị trường”, bà Hương chia sẻ.

nguyen-thi-thanh-huong-dai-phuc-land-1634687689.jpg

Sau khoảng thời gian dài gắn bó với những thăng trầm trong ngành bất động sản, bà Hương dần có những bước đi vững chắc trong sự nghiệp. Bà đánh giá bất động sản thuộc sản phẩm đặc thù, không chỉ giá trị cao mà còn gắn liền với nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân. Chính vì thế nhà phát triển dự án bất động sản phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn để tạo nên những sản phẩm thật sự giá trị, không chỉ trong hiện tại mà còn kéo dài cho nhiều thế hệ sau.

Từng điều hành nhiều siêu dự án và được đánh giá “mát tay” trong việc kinh doanh, bà Hương chia sẻ thế mạnh của nữ CEO là biết “mền nắn rắn buông” đúng lúc.

“Trong “giai đoạn vàng” của người phụ nữ, tức từ 25 đến 35 tuổi, họ thường bị chi phối bởi thiên chức làm mẹ và công việc gia đình, xã hội. Người phụ nữ sẽ thành công nếu họ cân đối được cả hai vai này một cách khéo léo. Sự thấu hiểu và chia sẻ của gia đình, đặc biệt là người chồng làm tăng thêm động lực cho người phụ nữ tiến về phía trước. Đối với công việc, phụ nữ cần được đối xử công bằng như nam giới, bởi họ nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát và có trách nhiệm. Họ có khả năng dung hòa các xung đột và sức chịu đựng, nhẫn nại cao hơn so với nam giới.”, bà Hương chia sẻ.

Trần Thị Cẩm Tú – Người ta làm được, mình cũng làm được

Nữ lãnh đạo Trần Thị Cẩm Tú – Tổng giám đốc CTCP BĐS EximRS (EximRS) chia sẻ, bà xuất thân trong gia đình làm nông. Cứ sau giờ học, cuộc sống của bà lại gắn liền với vườn cà phê, lượm củi, chăn bò. Đến năm 1999 bà Cẩm Tú đậu khoa Nhật Bản của trường Đại học Hồng Bàng, TP. HCM.

Để có tiền sinh sống, bà Tú vừa đi học, vừa đi làm gia sư và lấy các mặt hàng bỏ sỉ cho đại lý và các sạp chợ. Thuở đó, bà luôn tìm đọc những tấm gương thành công của các doanh nhân khác để làm động lực phấn đấu mỗi ngày với một suy nghĩ duy nhất “Người ta làm được, mình cũng sẽ làm được”.

tran-thi-cam-tu-eximrs-1634687689.jpg

Bà Trần Thị Cẩm Tú bắt đầu sự nghiệp ở vị trí thông dịch viên tại công ty Nissei của Nhật Bản mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên với khát vọng vươn lên làm giàu, cuối năm 2007 bà Tú quyết định từ bỏ công việc với mức lương cứng để chuyển sang ngành bất động sản.
“Nhảy việc từ công ty Nhật sang làm nhân viên kinh doanh cho công ty môi giới bất động sản, nhưng tôi nhanh chóng trở thành “người xuất sắc”. Sếp và các đồng nghiệp nói tôi “có duyên” bán hàng mà không biết thời gian làm việc ở công ty của người Nhật, tôi học được nhiều kỹ năng, cung cách làm việc nghiêm túc, tính kỷ luật, trách nhiệm, tận tâm và luôn xem khách hàng là trên hết”, bà Tú chia sẻ.

Trải qua hành trình 8 năm dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, bà Trần Thị Cẩm Tú hiện là tổng giám đốc của EximRS. Dưới sự dẫn dắt của nữ lãnh đạo, EximRS đã phát triển nhanh chóng, thành công, mang lại 2.000 tỷ đồng doanh thu cho chủ đầu tư. Quy mô doanh nghiệp cũng được mở rộng hơn 300 nhân viên và trở thành đơn vị phân phối cho rất nhiều dự án bất động sản trên thị trường. Hiện nay EximRS là đơn vị quyết liệt trong chuyển đổi số để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Lưu Thị Thanh Mẫu – Tiên phong tạo nên sự khác biệt

Với tư duy nhạy bén và quan điểm độc đáo, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng giám đốc Phúc Khang Corp luôn nhìn thấy những cơ hội trong các thị trường ngách và tiên phong tạo nên sự khác biệt.

Tuy tốt nghiệp ngành Luật và Đông phương học ở hai trường đại học, nữ doanh nhân quyết định rẽ lối sang lĩnh vực bất động sản ngay từ năm 3 đại học và có được những thành tựu nhất định trong nghề.

luu-thi-thanh-mau-phuc-khang-corp-1634687689.jpg

Theo chia sẻ của bà, vào thời điểm bong bóng bất động sản diễn ra vào năm 2009, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc thấm đòn và buộc phải đóng cửa. Thế nhưng bà Thanh Mẫu lại cùng các đồng sự quyết định thành lập Phúc Khang. Ở thời điểm đó, bà đặt nước cờ đầu tiên vào phân khúc đất nền vùng ven với quan điểm 80% người Việt xuất thân từ nông dân.

“Việc Phúc Khang đầu tư vào phân khúc này bị nhiều người ví như đụng vào “xác chết”, bởi đây là phân khúc không ai làm và rất khó thành công”, Thanh Mẫu bộc bạch.

Dù nhiều người khuyên căn hộ mới là điểm sáng của thị trường, bà Thanh Mẫu vẫn kiên quyết với nhận định của mình và dũng cảm mở lối đi riêng. Bà hoạch định kinh doanh của Phúc Khang hướng đến các mô hình sinh thái phát triển cách trung tâm TPHCM khoảng 30km trở lại, nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia.

Nhờ kế hoạch bài bản và tầm nhìn xa, giải pháp của nữ doanh nhân Thanh Mẫu đã đánh trúng vào nhu cầu và tâm lý của khách hàng. Các dự án do Tập đoàn tham gia đầu tư như EcoSun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (TP.HCM). Đặc biệt, dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An với quy mô hơn 65 ha, hơn 2.450 nền được dự kiến bán trong 18 tháng, nhưng chỉ mới 6 tháng đã nhanh chóng “cháy hàng”.

Trần Minh Ái – Quản lý BĐS là “nghiệp”

Sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật, bản thân bà Trần Minh Ái – hiện đang là Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản (QLBĐS) của Savills TP. Hồ Chí Minh – cũng có niềm đam mê mãnh liệt với nội thất và kiến trúc. Vốn đã đi theo con đường được định sẵn - tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1999. Tuy nhiên sau đó bà lại tiếp tục hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ Quản lý Bất động sản tại Anh năm 2014 và ngay lập tức bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực bất động sản.

tran-minh-ai-savills-tphcm-1634687689.jpg

“Thật ra, tôi không yêu ngành nghề này ngay từ những ngày đầu chạm ngõ. Vốn mê nghệ thuật và học kiến trúc, có lẽ tôi đã đi theo con đường định sẵn nếu như không có một ngày tôi chợt nhận ra đôi khi người ta cần phải thật rạch ròi giữa đam mê và năng lực cốt lõi của bản thân. Tôi vẫn nói đùa rằng tôi xem công việc này là “nghiệp” thay vì “nghề”. Bởi thẳng thắn mà nói, quản lý bất động sản là ngành nghề khổ cực mà nếu không yêu thì rất khó để gắn bó và tồn tại.”, bà Minh Ái chia sẻ.

Bên cạnh đó bà cũng cho biết công việc hiện tại luôn đòi hỏi người quản lý phải suy luận và tìm kiếm giải pháp nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời hầu như hằng ngày hằng giờ. Để làm được điều này, người quản lý phải sở hữu cá tính mạnh và tư duy logic.

Hiện tại chuyên môn của bà Ái tập trung vào việc quản lý bất động sản, bao gồm: Quản lý dự án, vận hành, quản lý và tư vấn tài sản. Bà là một trong những thành viên Savills tham gia quản lý dự án đầu tiên và lớn nhất thị trường vào thời kỳ đó như: Unilever, Fideco Tower, Hùng Vương Plaza, Manulife Building và SaiGon Pearl.

Đặng Thị Kim Oanh - “Bén duyên” BĐS nhờ nắm bắt thời cơ

Trước khi bước chân vào nghề bất động sản, bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group đã phải chật vật với nhiều ngành nghề để mưu sinh. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng, rồi mở một cơ sở bán vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp. Sau đó, bà Oanh tiếp tục mở thêm đại lý gạo tại quê nhà.

dang-thi-kim-oanh-group-1634687689.jpg

Bước ngoặt sự nghiệp của bà được đánh dấu vào đầu năm 2004, khi bà chuyển về mở quán cà phê - bida ở tỉnh Bình Dương. Thời điểm đó Bình Dương rất hoang vắng, chỉ có các chủ đầu tư thường xuyên lui tới và ghé quán của bà để trao đổi về tiềm năng dự án. Nhờ vậy mà bà Kim Oanh cũng dần học hỏi và có thêm kiến thức để dấn thân vào ngành môi giới bất động sản

Khi đất Bình Dương bỗng “sốt nóng”, bà Kim Oanh nhanh chóng nắm bắt thời cơ, mở một văn phòng nhỏ để tư vấn khách hàng và làm môi giới bất động sản. Trải qua chặng đường 17 năm trong nghề, bà Oanh đã phát triển “con thuyền” của mình trở thành tập đoàn lớn với gần 1.000 nhân viên và 9 chi nhánh hoạt động kinh doanh khắp tỉnh thành Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai và Thừa Thiên – Huế.

 

Thiện Lễ