Quốc gia nào tích cực đầu tư BĐS Việt Nam?

Bảo An
Trước triển vọng tăng trưởng cũng như sức bật tại một số thành phố, thị trường bất động sản châu Á vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực. Trong đó Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có triển vọng trong khu vực.

Nhà ở Việt Nam thu hút người mua ở quốc gia nào?

Knight Frank thống kê rằng người giàu ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC) dành hơn 1/4 tổng tài sản của họ để đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. Riêng năm nay, khi chọn nơi mua ngôi nhà tiếp theo, họ chỉ ra 5 quốc gia hàng đầu: Mỹ, Úc, New Zealand, Anh và Singapore. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng này.

Nếu chỉ tính trong khu vực Châu Á, theo Savills Prospects, ba quốc gia có triển vọng nổi bật nhất trong khu vực hiện nay là Việt Nam, Singapore và Nhật Bản.

bat-dong-san-viet-nam-min-1672885187.jpeg
Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có triển vọng trong khu vực.

Bà Christine Li, Giám đốc dịch vụ nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương của Knight Frank cho biết, khách hàng tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu sẽ là người Singapore và Malaysia. Bởi các quốc gia này đã đóng góp một lượng lớn chuyên gia và lao động quốc tế đến Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, những người mua nhà từ Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nhà đất ở Việt Nam để thêm vào danh sách bất động sản cho thuê của họ trong 12 tháng tới, miễn là quốc gia này vẫn trong tình trạng kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Với khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ có tốc độ tăng trưởng dân số siêu giàu cao nhất thế giới ở mức 33% trong giai đoạn 2021 - 2026, cơ hội tăng trưởng cho thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá cao.

Trước đó, khi luật nhà ở năm 2014 ban hành cho phép người nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) thống kê và cho biết phần lớn người mua là người nước ngoài đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore. Người Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản chủ yếu thuê nhà chứ không mua nhà.

Vì sao bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Hậu tác động của đại dịch Covid-19, bà Christine Li cho biết bất động sản Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Trong số đó, yếu tố quan trọng nhất là giá cả. Bà Christine Li ước tính giá nhà cao cấp tại Việt Nam sẽ tăng 2-3% trong năm nay, nhưng xét trên tình hình chung của thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giá nhà ở tại Việt Nam vẫn rất hợp túi tiền của các nhóm đối tượng giàu và siêu giàu.

Theo ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam, một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ trở về và mua bất động sản tại Việt Nam sau thời kỳ đại dịch Covid-19 với nhiều vấn đề tâm lý.

fdi-dau-tu-bat-dong-san-viet-nam-min-1672885187.jpg
Nguồn vốn FDI tạo cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam

Mặc dù chi phí đầu tư thấp nhưng giá trị tăng trưởng được kỳ vọng mạnh mẽ do nguồn cung nhà ở cao cấp và siêu sang tại Việt Nam hiện chỉ còn rất ít. Nhìn lại các thị trường khác trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Manila (Philippines), bà Christine cho rằng tình trạng dư thừa nguồn cung cộng với việc không thể nối lại tăng trưởng kinh tế khiến các quốc gia này trở nên kém hấp dẫn. 

Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia ổn định nhất về chính trị và kinh tế, là điểm đến đầu tư tài sản an toàn của giới thượng lưu quốc tế. Với các chỉ số vĩ mô tích cực, Việt Nam cũng đang thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thu hút nguồn nhân lực nước ngoài đến sinh sống và làm việc, mở ra nguồn khách hàng mới cho bất động sản.

Trong báo cáo của Savills cho thấy, sự cải thiện trong môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư từ chính phủ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi một số nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn do tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường vẫn sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành của Savills Việt Nam, nhận định Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, với vốn đầu tư FDI ngày càng tăng và nội tại nền kinh tế trong nước mạnh mẽ.

"Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường bất động sản. Điều này là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề cho việc thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu đầu tư trên nhiều lĩnh vực", ông Troy Griffiths cho biết.

Người nước ngoài có được sở hữu đất ở Việt Nam không?

nguoi-nuoc-ngoai-so-huu-dat-viet-nam-1672885187.jpg
Người nước ngoài không thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Tại Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định về người sử dụng đất thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

- Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

- Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

- Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

- Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Người nước ngoài không thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được đứng tên trên sổ đỏ, không được quyền sở hữu đất ở tại Việt Nam.

Người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam không?

Theo khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật liên quan.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi là tổ chức).

- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

nguoi-nuoc-ngoai-so-huu-nha-o-viet-nam-1672885187.jpg
Người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam

Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 02 nhóm hình thức sau:

- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;

- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam

Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở thì người nước ngoài thuộc đối tượng sau thì có quyền mua nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên để được mua nhà thì phải có giấy tờ chứng minh. Cụ thể:

Trường hợp 1: Điều kiện với tổ chức

Tổ chức thì phải Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà, thuê mua nhà ở.

Trường hợp 2: Điều kiện với cá nhân

Cá nhân người nước ngoài phải đáp ứng 02 điều kiện sau:

- Có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;

- Không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Hoàng Ân