Tháng dịch chưa qua, tháng Ngâu đã tới

Suốt từ giữa tháng 5 đến nay, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng gần như rơi vào trạng thái trầm lắng. Một phần bởi các lệnh giãn cách khiến hoạt động giao dịch và thủ tục chuyển nhượng bị gián đoạn, tạm dừng. Sụt giảm về thu nhập cũng khiến nhiều nhà đầu tư đứt gánh, dòng tiền bị tắc do các hoạt động buôn bán, kinh doanh đình trệ.

Khi số ca nhiễm mỗi ngày còn neo cao, các chỉ thị giãn cách vẫn kéo dài, thị trường sắp tới đây sẽ càng lâm vào thế khó khi tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) cận kề. 

Đơn cử, anh Tuấn Minh (quận 12, TP HCM) cho biết, anh đã nhận cọc vào cuối tháng 6 để chuyển nhượng cho khách hàng hai lô đất tại Thạnh Lộc, TP HCM nhưng mãi đến đầu tháng  8 vẫn chưa thể hoàn tất được do khách hàng đang kẹt tại Biên Hòa, Đồng Nai. 

“Cô chú đã lớn tuổi mà lại còn chưa tiêm vaccine nên không dám đi đâu. Cứ tưởng đã bán được trong tháng 6 để tất toán khoản vay với ngân hàng. Thế mà dịch rồi tháng Ngâu liên tiếp nên tôi xác định chắc phải đến tháng 9 mới công chứng xong”, anh Minh kể.  

Hay chị Mai Lan (TP Thủ Đức) cũng cho biết vợ chồng chị đã đặt tiền giữ chỗ một căn hộ ở Dĩ An ngay sau đợt nghỉ lễ 30/5. Tuy nhiên gần 5 tháng rồi thông tin dự án vẫn nhỏ giọt, chủ đầu tư cũng im hơi lặng tiếng. Liên hệ với môi giới, chị Lan nhận được câu trả lời rằng do dịch bệnh, rồi sắp tới lại đến tháng 7 Âm nên chủ đầu tư không ra hàng mới. Buổi ra mắt và mở bán dời lại đến cuối tháng 10 để họ có thời gian chuẩn bị tốt nhất. 

“Điều đáng nói không phải vài chục triệu tiền giữ chỗ, mà do bám theo tiến độ của dự án nên chúng tôi lỡ mất nhiều cơ hội đầu tư khác”, chị Lan cho biết. 

image003-1595211333-1628253502.jpg
Tháng dịch chưa qua, tháng Ngâu đã tới khiến nhiều nhà đầu tư bối rối.

Vậy tháng Ngâu là gì mà khiến mọi việc xáo trộn? Việc động thổ, xây nhà hay mua bất động sản đối với bất kỳ ai cũng được xem là việc hệ trọng, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc sống. Bởi thế, yếu tố phong thủy cũng được xem trọng không kém, từ việc chọn ngày lành tháng tốt để xuống tiền, chọn hướng đất phù hợp với mệnh tuổi. 

Cũng từ quan niệm đó, tháng 7 Âm lịch, hay còn gọi là tháng cô hồn, đối với người Việt là thời điểm không phù hợp cho các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán và nhất là các sản phẩm có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa. Bên cạnh đó, đây cũng là tháng mưa ngâu, gây trở ngại cho thực hiện giao dịch về bất động sản, nhất là khi mua nhà xong thường phải sửa chữa lại thì mưa gió cũng gây một trở ngại. Việc nhập trạch, chuyển nhà trong điều kiện trời mưa dầm cũng là một bất lợi. Cộng thêm trời mưa tạo tâm lý bớt hứng khởi nên không ít người không muốn mua nhà vào tháng Ngâu. 

Quý III ảm đạm

Tuy nhiều năm trở lại đây, hiệu ứng “tháng Ngâu” đã có phần hạn chế ít nhiều. Nhiều khách hàng cũng gạt đi mọi điều kiêng kị, mê tín để nếu cơ hội đầu tư chất lượng. Các chủ đầu tư thực hiện các chương trình kích cầu hay chính sách chiết khấu, hậu mãi hấp dẫn để chiêu dụ người mua. Tuy vậy trong bối cảnh “côvi lồng cô hồn” này, tâm lý này của giới đầu tư và người mua nhà không tránh khỏi bất ổn. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Không phải đơn vị nào cũng muốn mạo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn kéo dài từ quý II đến nay. 

“Bằng chứng các hoạt động bán hàng trong tháng Ngâu năm nay chủ yếu đến từ sản phẩm đã ra mắt trước đó hoặc hàng tồn đẩy mạnh để làm sạch giỏ hàng, thông qua các hình thức online là chủ yếu. Tức họ vẫn không mong chờ gì hơn. Các dự án chủ lực trong tháng 7 Âm lịch đều phải cất chờ đến khi thị trường phục hồi hoàn toàn”, một môi giới lâu năm cho biết. 

Tại Toàn cảnh Talkshow, ông Trịnh Minh Hải – Quản trị viên Cộng đồng Review Bất động sản đồng thời là môi giới dày dặn kinh nghiệm cũng cho biết, mọi năm, mặc dù là tháng Ngâu nhưng lượng khách hàng tìm kiếm mua bất động sản vẫn diễn ra, chỉ thấp hơn so với những tháng cao điểm khác khoảng 10-20%. Nhưng với ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 thứ 4 nên ảnh hưởng nhiều khả năng sẽ kéo dài. 

“Trong ngắn hạn, những người đi từ vùng dịch phải bị cách ly tại nhà 21 ngày. Cùng với thời điểm quý III có tháng Ngâu, thì lượng khách hàng tìm kiếm mua bất động sản theo tôi giảm đáng kể so với cả quý II vừa qua. Trong quý III có tháng Ngâu, lượng khách hàng tìm kiếm mua bất động sản giảm khoảng 60- 70%", ông Hải nói.

blue-geometric-gradient-photo-medical-facebook-cover-1-1628254360.jpg
Bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong tháng 7 Âm lịch.

Trong chia sẻ gần đây, ông Trần Hiếu - Phó tổng giám đốc tiếp thị và kinh doanh DKRA Việt Nam cũng dự báo rằng suốt quý III thị trường sẽ bất động và trầm lắng do tháng 8 cũng rơi vào tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) kéo dài đến tận tháng 9. Ông đưa ra hai kịch bản lạc quan và thận trọng để dự báo về mức độ trầm lắng của thị trường trong thời gian tới. 

Kịch bản thứ nhất, thị trường bất động sản kém sôi động suốt quý III. Từ tháng 10, TP HCM sẽ bắt đầu kiểm soát được Covid-19, người dân trở lại sinh hoạt bình thường với các yêu cầu phòng dịch cơ bản và doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc bán hàng cho mùa cao điểm cuối năm từ đầu quý IV.

Kịch bản thứ hai, thị trường trầm lắng đến cuối quý IV và phải chờ đến sau kỳ nghỉ Tết 2022 mới bắt đầu tái khởi động lại. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang chọn phương án thận trọng để chờ thời điểm thị trường phục hồi mới nhập cuộc. Một số ít doanh nghiệp vẫn đang chuẩn bị giải pháp sống chung với dịch bệnh bằng cách chuyển hướng bán bất động sản online.

Trong nguy có cơ

Tuy vậy, ở góc nhìn lạc quan của một số chuyên gia, tháng Ngâu năm nay có thể đóng một vai trò khá đặc biệt với thị trường bất động sản, có thể là “cơ” trong “nguy” mà nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm. Theo đó, dịch bệnh đi kèm với tháng Ngâu đang dần trở thành lực nén kép, khiến bất động sản có cú bật dậy rất nhanh trong giai đoạn cuối năm. Bởi nhu cầu càng bị đè nén, khi các biện pháp giãn cách được tháo gỡ, sẽ càng bật dậy và có thể tạo ra một đợt sóng nhỏ cho thị trường. 

Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường bất động sản quý II/2021 do Batdongsan.com.vn, thị trường nhà đất vẫn duy trì một số điểm sáng tích cực khi mức độ quan tâm và nhu cầu giao dịch trong quý vẫn cao hơn so với quý trước và hầu hết các tháng trong năm 2020.

Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, thị trường vẫn đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng, dù chịu tác động kép của dịch bệnh lẫn tháng Ngâu. 

“Tôi lấy đơn cử như trước đó, chúng ta khá quan ngại về các chương trình livestream bán hàng online. Song hai tuần gần đây, theo thông tin từ một số chủ đầu tư đưa ra, dù số lượng giao dịch qua hình thức online không cao bằng bán hàng tập trung song tỷ lệ bán hàng vẫn khá khả quan, đạt đúng hoặc vượt kỳ vọng về chỉ tiêu doanh thu online. Điều này cho thấy, lượng cầu, lượng quan tâm dành cho bất động sản vẫn khá cao”, ông Phúc cho biết.

img-20200629-104920-1626925220.jpg
Bất động sản khu Nam TP HCM.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Ngọc Thiên Ân - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tư vấn Bất động sản IQI Việt Nam cũng cho rằng, dịch bệnh nối tiếp tháng Ngâu tạo ra tâm lý “đói hàng” cho một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực. Đặc biệt, nhóm đầu tư này có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu, cũng như cân nhắc sản phẩm trong suốt mùa dịch cũng như tháng 7 Âm lịch nên sẽ sẵn sàng quyết định nhanh.

"Học hỏi kinh nghiệm từ một số thị trường đã kiểm soát Covid-19 khá ổn như Mỹ, Canada sẽ thấy một thực tế rất khó tin. Giao dịch bất động sản tăng chóng mặt, dẫn đến tình trạng nguồn cung sản phẩm trờ nên khan hiếm và đẩy giá bán tăng cao. Quay lại thị trường Việt Nam, một kịch bản tương tự có thể diễn ra nếu các chiến dịch tiêm chủng hoàn thành suôn sẻ. Cuối quý III và đầu quý IV của năm có thể là thời điểm “vàng” để nắm bắt cơ hội đầu tư", chị Thiên Ân cho biết.

Giám đốc IQI Việt Nam đồng thời đưa ra bốn cơ sở để cho rằng lực nén sẽ tạo nên một cú bật nhảy cho thị trường trong cuối năm nay.

  • Thứ nhất, tâm lý lo lắng sẽ phần nào được xoa dịu với người dân. Sau thời gian dài đối diện với số ca bệnh tăng cao, sản xuất đóng băng, họ được trở lại cuộc sống bình thường. Đây chính là chìa khóa tâm lý dẫn đến nhu cầu đầu tư, cất trữ.
  • Thứ hai các chính sách tín dụng của ngân hàng được đánh giá là rất tốt so với những năm trước dịch. 
  • Thứ ba, vì tình trạng ứ đọng giao dịch suốt hai tháng nay nên thị trường thứ cấp sẽ rất nhộn nhịp. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng "đám đông" tích cực cho nhà đầu tư. 
  • Thứ tư, bản thân các chủ đầu tư cũng đã có thời gian "đóng cửa bảo nhau" trong suốt mùa dịch. Kinh nghiệm và độ thích ứng với thị trường do đó cũng tăng cao hơn. Hoạt động số hóa thông tin khiến các giao dịch, thủ tục hành chính, tổ chức sự kiện trực tuyến, các hội thảo báo cáo thị trường theo quý và liên tục sáng tạo trong cách đưa thông tin đến với khách hàng. Điều này tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư có thể tìm hiểu dự án, sản phẩm ngay tại nhà bất cứ lúc nào, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho khách hàng và cả môi giới. Các chủ đầu tư cũng chuẩn bị sẵn sàng nhiều ưu đãi cho khách hàng lựa chọn mua trong dịp này. Ví dụ như chính sách vay 100%, hay nhiều chiết khấu ưu đãi. Đặc biệt là các sản phẩm hiếm sẽ được ra mắt để thu hút những NĐT thực thụ. 

"Trong cái khó, cái khôn luôn lấp ló và khiến cả người mua, người bán thậm chí các chủ đầu tư muốn tồn tại đều phải học cách tốt nhất để thích nghi. Trong “nguy” luôn có “cơ”nhưng “cơ” thì chỉ dành cho những ai có khả năng thích nghi cao nhất trong khoảng thời gian dài nhất", chị Thiên Ân đánh giá.

Chia sẻ với Toancanhbatdong.com.vn trước đó, chuyên gia tài chính cá nhân Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group cũng cho biết, “Đây là điểm rơi của thị trường, là cơ hội vàng 10 - nghìn năm có một để mua vào bất động sản. Và từ đây đến Tết Âm lịch, sẽ có rất nhiều khả năng lựa chọn một bất động sản pháp lý đầy đủ, chất lượng tốt và giá rất rẻ”, ông Chánh phân tích.