Thị trường nhà trọ phía Nam trước làn sóng di dân sau dịch

Lan Anh
Đứng trước tình trạng “di dân” ồ ạt, thị trường nhà trọ phía Nam rơi vào cảnh trống vắng, dự kéo dài tới sau Tết Nguyên Đán. 

Nếu trước đại dịch, cho thuê nhà trọ là kênh đầu tư “ăn chắc, mặc bền”, cơ hội cho nhà đầu tư có vốn vừa và nhỏ, phục vụ nhu cầu lớn, dễ dàng lấp đầy. Các nhà trọ thường tập trung chủ yếu gần trường đại học, lân cận khu công nghiệp, các quận xa trung tâm như Thủ Đức, Quận 12, Tân Phú. Bình Chánh, Bình Dương, Đồng Nai...

Phân khúc nhà trọ bình dân thu hút nhiều người thuê, đa số là người lao động, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, diện tích phòng trung bình dưới 20m2, mức giá không quá 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, các nhà trọ trung cấp được trang bị các thiết bị vệ sinh, nhà bếp, máy lạnh có mức cho thuê từ 3 đến 5 triệu đồng. Phân khúc cao cấp như homestay, căn hộ đầu tư thang máy, tủ lạnh,...giá thuê trên 5 triệu đồng.

Thất thu nhiều tháng liên tục 

thi-truong-nha-tro-phia-nam-min-1635417536.jpg
Hàng nghìn người lao động ồ ạt đổ về quê sau thông báo mở cửa của thành phố

Trong bối cảnh đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4 kể từ tháng 5/2021 đã khiến giao dịch bất động sản rơi vào trầm lắng, thị trường nhà trọ cho thuê cũng không loại trừ. 

Hầu hết các trường đại học đóng cửa học online từ đầu tháng 5, sau đó thì nghỉ hè nên sinh viên tỉnh đã về quê ngay để giảm bớt chi phí. Đợt về quê của sinh viên mọi năm chỉ kéo dài 1,5-2 tháng thì năm nay kéo dài tới 5 tháng do covid bùng phát mạnh. Hiện tại, chỉ một số trường thông báo học tại trường, còn lại vẫn học online, đồng nghĩa với việc sinh viên chưa thể quay lại thành phố.

Anh Trung, chủ 20 phòng trọ ở quận 12 chủ yếu cho sinh viên cho biết hiện tại anh chỉ còn đúng 5 phòng có người thuê. Đợt phong toả vừa qua anh đã giảm giá hơn 50% để hỗ trợ các bạn sinh viên đang bám trụ.

Trong khi đó, thị trường nhà trọ cho công nhân rơi vào ảm đạm suốt quý 2 và 3, có thể kéo dài đến hết quý 4. Chị Khánh Vân, chủ 9 phòng trọ tại P.5, Gò Vấp cho biết 4 tháng phong tỏa vừa qua chị không nỡ thu tiền nhà vì những khách thuê trọ nhà chị đã gắn bó tới vài năm. “Họ phải nghỉ việc, lương phụ cấp ít ỏi, tiền tiết kiệm cạn dần mà mình thu tiền thì trút thêm gánh nặng cho họ. vậy nên tôi đành chịu thiệt về phần mình. Thật may là tôi không nợ nần gì, chỉ cần tiết kiệm thêm để vượt qua khó khăn". 

Không được may mắn như chị Vân, anh Hiếu ở Thủ Đức vay tiền xây dãy nhà trọ trên đất cha mẹ để cho thuê. Trong 4 tháng phong toả, khách nợ tiền nhà nhưng anh vẫn phải trả lãi và gốc cho ngân hàng hơn 30 triệu đồng. “2/3 số khách đã về quê chưa biết khi nào quay lại. Hiện tôi đang lo xoay sở cầm cự vì phải qua tết tình hình mới khá hơn”. 

Ráng cầm cự chờ 'bình thường cũ'

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10 cho biết có khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Sau khi mở cửa cho phép đi lại giữa các địa phương, nhiều người đã ồ ạt về quê với số lượng “rầm rộ”, chưa biết bao giờ quay trở lại. Nếu có thể sẽ là dịp sau Tết, khi cuộc sống trở lại bình thường, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nhiều người có tâm lý thận trọng nếu quay trở lại sẽ chỉ đi cùng vợ hoặc chồng mà không mang theo gia đình như trước. Một bộ phận lao động khác có ý định lên thành phố làm việc lại nhưng tâm lý lo lắng, căng thẳng về dịch bệnh cũng là rào cản lớn. Không ít doanh nghiệp “bối rối” khi vướng mắc trong việc sắp xếp hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới khiến người lao động phải “chùn bước”.

Hiện tại, sau 1 tháng TP. HCM mở cửa, các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai cũng nới lỏng các biện pháp chống dịch, các phòng trọ vẫn chưa thể có người thuê. Nhiều chủ trọ phải áp dụng chính sách giảm giá từ 15% - 20%, thậm chí 50% nhằm hỗ trợ, giữ chân khách. Một số khác tiếp tục miễn phí tiền phòng, chỉ tính điện nước, áp dụng thu gộp 50% mấy tháng còn lại cuối năm.

Những đợt di cư của người lao động, học sinh về quê trước dịch, rải rác trong dịch có sự hướng dẫn của chính quyền và sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các nhà trọ. Thị trường ngách như phòng trọ cho thuê tưởng như ít bị ảnh hưởng lại lao đao khi chỉ biết phụ thuộc vào người lao động, sinh viên quay trở lại thành phố. Nhiều chủ trọ hi vọng khi thành phố mở cửa trở lại sẽ vớt vát tình hình song thực tế phải treo bảng, giảm giá để mong giữ chân người thuê, tỷ lệ lấp đầy rất thấp.

nha-tro-tim-khach-thue-1635417536.jpg
Nhà trọ chật vật tìm khách thuê

Trước bối cảnh trên, các chủ trọ chỉ biết hy vọng dịch nhanh chóng giảm và kiểm soát tốt, người lao động, sinh viên quay trở lại thành phố làm việc. Cô Thu - chủ một dãy trọ ở trường đại học Nguyễn Tất Thành trăn trở: “Năm nay coi như mất trắng. Hiện tại phòng trọ cô hầu như trống hết vì đối tượng cho thuê chủ yếu là sinh viên, nay các em đã về quê học Online. Chỉ mong sau dịch trường cho học lại thì mới vớt vát chút ít, cho thuê lại được thôi”.


Lý Võ