Toàn cảnh BĐS Bảo Lộc: đã dịu cơn sốt sau những lùm xùm?

Lan Anh
Đầu năm nay, hàng loạt thông tin triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sự đổ bộ khảo sát của các doanh nghiệp bất động sản đã tạo nhiều tín hiệu tích cực cho vùng đất Bảo Lộc.  Nhưng liệu rằng những thông tin này đủ để lấy lại niềm tin vào tiềm năng phát triển Bảo Lộc của nhà đầu tư sau những vụ lùm xùm dự án “ảo” cuối năm ngoái?    

Đẩy nhanh hoàn thiện cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

Trong năm 2022, tại khu vực phía Nam cũng dự kiến sẽ được rót vốn để triển khai một loạt các dự án đường cao tốc mang tính trọng điểm. Trong đó bao gồm dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng và được chia thành 3 phân đoạn. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phụ trách đoạn Dầu Giây - Tân Phú, giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn Tân Phú - TP. Bảo Lộc và đoạn TP. Bảo Lộc - Liên Khương. Chủ đầu tư hai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến khởi công trong năm nay.

nut-giao-cao-toc-dau-giay-min-1645757388.jpg
Nút giao cao tốc Dầu Giây kết nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai

Nằm trọn trong địa phận Đồng Nai, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60 km, mới đây được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Tổng kinh phí giai đoạn 1 dự kiến hơn 8.300 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h. Bộ Giao thông Vận tải dự tính việc chuẩn bị dự án, chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng thực hiện các năm 2022, 2023 và triển khai thi công từ 2023 đến 2025.

Đoạn Tân Phú (Đồng Nai) tới TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 66km cũng có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) và có sự góp vốn của Nhà nước. Khi hoàn thành, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giúp giảm áp lực cho quốc lộ 20 và đèo Bảo Lộc, đoạn đường vốn thường xuyên sạt lở, kẹt xe và xảy ra nhiều tai nạn.

Ngày 14/2, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng nhằm lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của 486ha sang mục đích khác. Việc chuyển đổi này nhằm thực hiện dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022. Tuyến đường này dự kiến sẽ hoàn thành cùng lúc với tuyến cao tốc Long Thành - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc, từ đó kết nối xuyên suốt TP.HCM - Đồng Nai và Đà Lạt (Lâm Đồng). Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài hơn 73km, chiều rộng 4 làn xe với nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng 24,75m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.311 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến 24 tháng và hoàn thành các thủ tục để thông xe trong năm 2025.

Lọt tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp BĐS

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ đua nhau tìm về mảnh đất này đề xuất lập quy hoạch và đầu tư các dự án quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn ha.

Cuối tháng 1, Công ty cổ phần Sacom - Tuyền Lâm (thành viên thuộc SAM Holdings) đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, được tài trợ khảo sát, lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án trên khu đất khoảng 1.430ha tại xã Lộc Phát, Lộc Thắng (TP Bảo Lộc)

CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh mới đây cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch tại khu vực núi Sapung, TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với quy mô khoảng 5.985 ha.

Ngoài ra, cơn đổ bộ này còn xuất hiện một số cái tên khá mới trên thị trường bất động sản. Đơn cử, CTCP Đầu tư Lightland mới đây cũng vừa được cho phép nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị phía Nam đường quốc lộ 20, thuộc phường B'lao và phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, với quy mô 35ha. CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Khải Hưng cũng được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch tại Lộc Phát, TP. Bảo Lộc với quy mô diện tích khoảng 49ha.

Bất động sản Bảo Lộc đã dịu cơn sốt?

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thị trường ghi nhận lượng lớn giao dịch bất động sản. Dựa trên giấy tờ công chứng trong 02 quý đầu năm 2021, địa bàn tỉnh ghi nhận lượng lớn giao dịch bất động sản (phần lớn là đất nền) đạt 24.531 giao dịch. 

Từ thông tin của anh Đăng Tấn – môi giới lâu năm tại thị trường Bảo Lộc cho biết, trước những thông tin tích cực từ cao tốc và các doanh nghiệp BĐS, năm vừa qua có rất nhiều khách từ khắp các tỉnh thành đổ về nơi đây để săn đất đón “sóng” hạ tầng. Đa số người mua đến từ TPHCM, Hà Nội, Biên Hòa,… Thứ nhất là họ muốn tìm nơi khí hậu mát mẻ, view đồi núi cao đẹp, view hồ thoáng mát để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng.

Thứ hai giá đất đa dạng, tùy vào khu vực và địa hình mà giá đất nền Bảo Lộc dao động từ vài triệu đến chục triệu/m2. Đơn cử, những lô đất gần trung tâm thành phố dao động ở khoảng 7 – 12 triệu/m2. Còn các lô đất vườn ở khu vực xa trung tâm lại càng rẻ hơn, chỉ cần chi khoảng 3 tỷ đã có 1 sào đất với view nhìn trực tiếp ra hồ, cảnh quan thoáng đẹp, đường ô tô chạy. Ngoài ra, đất Bảo vài tháng là “sốt đùng đùng”, giá hiện nay so với 2 – 3 năm trước đã tăng lên gấp 3 lần. Cũng bởi mức sinh lời cao mà nhiều người không tiếc công đi xa để về đây săn đất.

dat-vuon-bao-loc-min-1645757387.jpg
Đất vườn, đất nông nghiệp là những phân khúc gây sốt nóng tại thị trường bất động sản Bảo Lộc

Tuy nhiên vào thời điểm cuối năm, một số địa phương như TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà xuất hiện một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường phục vụ sản xuất nông nghiệp để phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp, đất rừng. Hành vi này đã tác động xấu đến thị trường bất động sản, không chỉ đẩy giá đất lên cao mà còn khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”. Thông tin này được chính quyền địa phương, các chuyên gia bất động sản cũng như tin tức báo chí công khai rầm rộ khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảnh giác hơn. Theo thống kê, số lượng giao dịch bất động sản của quý III, IV/2021 bị giảm 38% so với 6 tháng đầu năm.

Anh Tấn cũng đánh giá không phải khu vực nào của Bảo Lộc cũng sinh lời. Có những lô đất “khỉ ho co gáy” cách rất xa trung tâm, thậm chí chưa đầy đủ điện, đường, trường, trạm nhưng vẫn được các cò đất tung hô, thổi phồng. Hậu quả là nhà đầu tư tưởng mua được giá rẻ nhưng bị “treo” mãi, không xây nhà được cũng chẳng tìm thấy người mua.

“Đầu năm nay, người đến mua đất nền Bảo Lộc không kéo tới nườm nượp như năm trước nhưng các giao dịch vẫn diễn ra thường xuyên và nhanh chóng. Từ khi các dự án ảo được “khui” ra, số lượng nhà đầu tư đến Bảo Lộc tuy giảm nhưng họ đã cảnh giác và “khéo” chọn những vị trí tốt, không cách quá xa trung tâm để làm nơi nghỉ dưỡng hoặc khi cần bán cũng dễ dàng tìm được người mua hơn”, anh Tấn chia sẻ thêm.

Quan điểm này của anh cũng có phần tương đồng với những chia sẻ gần đây của ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Khi năm 2022 được đánh giá là năm các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, nhiều người e ngại điều này sẽ khiến thị trường bất động sản sẽ gặp thêm nhiều cơn “sóng ảo”. Tuy nhiên ông Thanh nhận định các nhà đầu tư bất động sản đã “trưởng thành” hơn rất nhiều sau những biến động của thị trường.

Đặc biệt, thông tin về bất động sản nhìn chung ngày càng công khai, minh bạch. Nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau. Các hội, nhóm đầu tư bất động sản trên mạng xã hội cũng giúp các nhà đầu tư hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, xác minh các thông tin liên quan. Với các nhà đầu tư có ý định đầu tư “đón sóng” các dự án hạ tầng giao thông cần tìm hiểu thông tin từ nguồn chính xác để không bị tác động tâm lý bởi hiệu ứng đám đông.


Thế Nghị