Căn nhà đầu tiên: “đã nghèo còn eo"

Anh Dũng chuyển vào TP. HCM làm việc năm 2001. Ban đầu anh thuê trọ, đến năm 2003 do quá chán cảnh đi thuê, lại mang tâm lý người Bắc “muốn cưới vợ phải có nhà" nên anh đi tìm mua. Cầm trong tay 25 triệu, anh xuống khu vực Thạnh Lộc, Q.12 tìm nhà. Chỉ trong một ngày, anh tìm được một căn rất đẹp, 40m2 giá 80 triệu đồng. Không suy nghĩ gì, anh đặt cọc luôn 5 triệu. Về lại cơ quan, anh mới đi tìm hiểu quy hoạch thì phát hiện căn nhà đó nằm ngay quy hoạch công viên, đất chưa chuyển đổi mục đích nên giá đền bù sẽ rất thấp. Thế là anh bỏ luôn cọc. “Cay đắng lắm chứ, mất 5 triệu chỉ trong tích tắc". 

Lần này cẩn thận hơn, cuối cùng anh cũng tìm được một căn trên đường Hà Huy Giáp, giáp với cầu sắt sang Bình Dương. Hẻm xe hơi không vào được, nhưng nhà cấp 4 khá ổn, 48m2 tổng diện tích. Tuy nhà chưa có sổ nhưng tin tưởng cò đất là công an khu vực nên anh thuận ý mua. Khi về ở anh mới phát hiện khu vực này nước phèn không thể nấu nướng gì. Tuy nhiên, khát khao có mái nhà đã thành sự thật. Anh vượt qua chuyện nước nôi, mỗi ngày đều chở theo 1 can nước sạch 10 lít từ cơ quan về. 

Rồi anh lấy vợ, vợ anh mang bầu, đi làm hàng chục km qua công trình cầu vượt đang xây bụi bặm thật khó khăn, lại thêm vụ nước phèn. Cuối 2005, vợ chồng anh quyết nhích lên gần trung tâm hơn. Mục tiêu là Gò Vấp. Lúc này anh mới thấy việc bán căn nhà quá khó khăn, do chưa có sổ hồng. Anh lại phải đi chạy sổ. “Tôi có nước muốn quỳ lạy chủ cũ người ta mới đi kí giấy tờ cho tôi. Và còn thêm bao nhiêu chi phí cho ông cò để ra được sổ. Đúng là ngậm đắng nuốt cay”. Cuối cùng, đầu 2006 anh cũng bán được căn nhà với giá 188 triệu. 

toan-canh-bat-dong-san-thumbnail-1629548954.jpg
Không phải ai cũng có duyên với chuyện buôn nhà bán đất

Căn nhà thứ 2: Chỉ tại cái số nhà  

Chở cô vợ bầu đi khắp Gò Vấp không thể tìm được một căn nhà nào hợp túi tiền 288 triệu đang có. Anh bèn tìm qua chung cư cũ. Rồi vợ chồng anh tìm thấy một khu chung cư, thật ra là nhà tập thể xây cho cán bộ công ty dệt quân đội ở ngay góc Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị. Vị trí rất tốt, sạch sẽ cao ráo. Chung cư 3 tầng, không có thang máy nhưng xây chắc chắn. Có vài căn rao bán nhưng giá khá cao, chỉ có căn rẻ nhất ở lầu 2 giá 379 triệu, diện tích 70m vuông. Vợ chồng anh mừng như bắt được vàng nên quyết định vay ngân hàng 100 triệu bù vào mua ngay. 

Vợ chồng anh sống 6 năm tại chung cư này khá là yên ổn, hai đứa con ra đời khoẻ mạnh, công việc cũng khấm khá hơn. 2012 anh quyết định “xuống đất" nên rao bán căn chung cư. Kì lạ là có rất nhiều khách tới xem rồi mất hút. Khi ấy nhiều môi giới tới đều chê số nhà là số 13, nhưng anh vẫn nghĩ rằng gia đình anh ở tận 6 năm thì con số sẽ chẳng ảnh hưởng gì. Ấy vậy mà suốt 9 tháng anh không bán được nhà dù đã hạ giá rẻ hơn căn cùng tầng tới 100 triệu. Đến nỗi sốt ruột quá, vợ anh phải đi chùa Đại Giác xin cái bùa bán nhà. Và cuối cùng anh cũng bán được nhà sau khi bớt thêm 20 triệu nữa. 

Căn nhà thứ 3: “Bỏ của chạy lấy người"  

Cầm 700 triệu bán nhà cùng 400 triệu tích luỹ, anh đi tìm nhà phố. Lần này anh quyết nhích lên khu vực Bình Thạnh. Sau khi đọc, lọc và đi xem hàng chục căn nhà, anh đem lòng ưng căn gần cuối đường Nơ Trang Long. Mất 10m đường vào nhà chỉ 2 xem máy tránh nhau nhưng bù lại, căn nhà mới xây chưa ai vô ở, rộng 4x12, lại sổ hồng chính chủ, và dĩ nhiên nó không phà nhà số 13. Sau 6 năm ở chung cư, vợ chồng anh hăm hở quyết định cọc ngay chỉ sau một lần thăm nhà. Giá mua nhà khi đó là 1,6 tỷ. 

Dọn vào ở đầu 2013 ngay mùa khô, nên mùa mưa năm ấy anh chứng kiến thế nào là ngập. Nước từ đường Nơ Trang Long tràn vô hẻm, hẻm tràn vô sát mép nhà. Hẻm nhà anh thông ra đường Phạm Văn Đồng đang làm nên thoát rất chậm. Con anh sung sướng mỗi khi mưa là đem thau ra giả bơi thuyền còn vợ chồng anh có hôm dắt bộ về nhà vì xe chết máy. 

Nhưng nỗi sợ ngập nước không kinh khủng bằng sợ sập nhà. Đó là vì sau khi về ở vài tháng, tường nhà bắt đầu nứt từ li ti tới nứt toác. Anh kêu thợ về vá, lúc này mấy bác lớn tuổi trong xóm mới nói căn nhà này chủ đích xây bán, nên dù nền yếu do vùng này xưa là sình lầy, nhưng người xây không đóng cọc lòng móng gì hết, cứ thế xây tường lên. Nói đến đó vợ chồng anh mới nhận ra là khi đi mạnh trên lầu sẽ thấy nền nhà rung lên. Từ đó, nhà anh không dám kê thêm đồ trên lầu, cả nhà đi nhẹ nói khẽ cười duyên.

Cuối 2014 nhà anh mua xe hơi, phải gửi xe ngoài ga-ra xa nhà hàng km. Thấy quá nhiều bất tiện và nguy hiểm, anh quyết định bán nhà. Anh kể rằng “Tôi bán nhà mà thấy mình như kẻ lừa bịp. Tôi gia cố căn nhà cho đẹp, kêu bán giá chỉ 1,8 tỷ. Người mua nhà phải vay ngân hàng nên tôi hỗ trợ họ tối đa, miễn sao đẩy được cái nhà đi. Thế mà cũng phải mất 6 tháng tôi mới bán được căn nhà ấy". 

Căn nhà thứ 4: Lần đầu biết thế nào là vướng pháp lý  

Lần này mục tiêu là mua một căn chung cư hiện đại, có thang máy, có hầm gửi xe, hồ bơi, phòng gym để nâng tầm cuộc sống.

“Tôi đi coi thấy khu quận 2 là nhiều chung cư đẹp nhất. Nhưng giá khá cao, chẳng hạn căn Parcspring 67m2 kêu bán 1,8 tỷ, căn Ehome 72m2 bán giá 2,1 tỷ. Đối với tôi khu vực đó khá là xa bởi khi ấy đường xá chưa hoàn thiện như bây giờ. Tôi không thể mua dự án vì nhà đã bán rồi, không thể chần chừ quá lâu được. Đang bế tắc thì tôi tình cờ nhìn thấy khu chung cư trên đường Mai Chí Thọ xây sắp hoàn thành. Vợ chồng tôi đánh liều vào coi nhà mẫu. Mấy em sale nói 3 tháng nữa là bàn giao, có 2 căn đang bán lại, căn tầng 17 giá 2,3 tỷ nhưng chỉ có 72m2. Căn tầng số 4, giá chỉ 2,1 tỷ nhưng rộng tới 82m và có layout đẹp hơn", anh Dũng nói.

can-ho-chung-cu-lexington-1629451785.jpg
Căn hộ tại chung cư trên đường Mai Chí Thọ. Ảnh: NVCC

Lúc đó anh chỉ đơn giản nghĩ rằng tầng thấp thì đỡ chờ thang máy, đỡ được tới 200 triệu mà còn rộng thêm thì tính là lợi chứ. Và hai vợ chồng đặt bút kí mua. Sau 3 tháng thì đúng là họ giao nhà. Gia đình anh dọn vào ở sớm nhất, khi chung cư chưa có ban quản lý chính thức, các hệ thống tiện ích cũng chưa hoạt động. Nhưng kệ, cứ có chỗ đậu xe hơi, nhà cửa sạch sẽ, đường không ngập nước là vui rồi. 

Thời gian vùn vụt trôi, từ đầu 2016 lúc nhận nhà tới khi dân vào ở hết, họ bắt đầu thắc mắc về sổ hồng, lúc này là 2019 thì mới vỡ lẽ ra là chung cư này vướng pháp lý, cụ thể thì dài dòng lắm nhưng túm lại là khó ra được sổ. Dân biểu tình, thuê luật sư kiện, đăng báo, treo băng rôn suốt một thời gian dài. Thời điểm đó, ban quản trị chung cư hoàn thiện, đưa ra nhiều quy định rắc rối, group chung cư thì tranh cãi suốt ngày khiến gia đình anh Dũng chán nản. Vợ anh quyết định cho thuê căn này, đồng thời rao bán, dọn sang khu vực Thảo Điền sống. 

ban-cong-chung-cu-lexington-1629451785.jpg
Người tới coi chê lầu 4 là tứ tử, rồi chê không có sổ…

Thời điểm ấy căn hộ của chung cư rao bán rất nhiều, cho thuê cũng rất nhiều nhưng thanh khoản chậm. Căn nhà cũng trống tận 4 tháng mới có khách, dù giá đã hạ tối đa. Lý do thì bạn cũng biết: tầng thấp, mà khách nào cũng thích tầng trung hoặc cao. Tận gần 1 năm sau là cuối 2010, sau mấy chục lượt người tới coi chê lầu 4 là tứ tử, rồi chê không có sổ… thì anh cũng bán được căn nhà giá 3 tỷ full nội thất. Tính ra sau 5 năm mua chỉ lời 900 triệu là lỗ vốn. Nhưng thôi bán được đã là may rồi, anh Dũng nghĩ vậy! 

"Về phần mình, vợ chồng tôi học được quá nhiều bài học mua bán bất động sản nên từ 2016, tôi bắt đầu mua bán đất nền ở khu vực Q.9, Thủ Đức, kiếm được kha khá. Hiện tại tôi có một căn nhà Q.9 cho thuê và sống trong một căn chung cư cao cấp tại Q1 giá chục tỷ. Ngoài ra tôi còn có đất Lâm Đồng, Long An, Nhơn Trạch. Chắc không ai trả học phí mua bán bất động sản nhiều và dài như tôi. Nhưng đời mà, có thất bại thì sẽ có thành công thôi!", anh Dũng kể.