TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã trôi qua, do đó bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Hiện Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine tương đối nhanh với tỷ lệ phủ đạt gần 74% và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong giai đoạn đầu năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt và dự kiến tăng khoảng 3-3,4% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6-6,6% thậm chí cao hơn. Kinh tế có thể phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phục hồi. 

1-custom-1-1640917632.jpg

Ngoài ra, chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh với hàng loạt  dự án  đầu tư công được thúc đẩy; pháp lý dự án đã và đang được tháo gỡ; tốc độ đô thị hóa gia tăng (kế hoạch tăng lên 45% năm 2025, 50% năm 2030), thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều lực đẩy để hướng đến phát triển tích cực.

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Vietnam

Nhu cầu bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trước động lực lớn đến từ dòng FDI cũng như nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ Việt Nam trong năm 2022. 

Đối với TP HCM, tôi cho rằng nguồn cung trong năm 2022 sẽ được cải thiện với nhiều dự án mới của các chủ đầu tư trong và ngoài nước so với năm 2021. Tuy nhiên, do quỹ đất nội thành khan hiếm, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông và các quận ngoại thành. Quỹ đất trung tâm sẽ được ưu tiên phát triển các dự án nhà ở hạng sang và cao cấp. Giá nhà ở dự kiến sẽ duy trì đà tăng trung bình từ 3-7% trong năm 2022 ở các phân khúc. 

3-custom-1-1640917632.jpg

Đối với người mua nhà, các tiêu chí lựa chọn bất động sản cũng sẽ thay đổi nhiều sau những gì họ đã trải qua trong đại dịch. Theo đó, các sản phẩm với tiện ích cao cấp, không gian sống thoáng đãng và có kết nối với thiên nhiên sẽ được ưa chuộng. 

Trong khi đó, tại Hà Nội, nguồn cung mới dồi dào sẽ đến từ các dự án khu đô thị lớn từ khu vực ngoại thành nhờ quỹ đất lớn. Điểm mạnh của thị trường nhà ở Hà Nội là hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tăng sự kết giữa vùng trung tâm và các khu vực lân cận. 

Nhờ đó, các chủ đầu tư đã tự tin hơn trong việc phát triển các dự án quy mô lớn ngoài trung tâm với tiện ích đa dạng và không gian xanh rộng lớn. Giá bất động sản tại Hà Nội thực tế không biến động mạnh như TP HCM song giá vẫn tăng đều qua hàng năm ở mức 1-3%. Chính vì vậy, tôi tin rằng với nguồn cung dồi dào trong năm tới và nhu cầu mua nhà lớn của người dân, giá bán nhà ở tại Hà Nội sẽ tăng nhẹ trong năm 2022 so với 2021. 

Bà Phạm Minh Nguyệt - CMO Propzy

Việt Nam nói chung, cũng như TP.HCM nói riêng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, môi trường sống và cơ hội việc làm đã dẫn đến nhu cầu thị trường nhà ở tăng. Các dự án cơ sở hạ tầng được hoàn thành cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện: tuyến metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2, khép kín Vành đai 3,cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Cơ sở hạ tầng phát triển hơn cũng giúp kết nối các khu vực dễ dàng hơn: người mua nhà có thể lựa chọn sống ở những khu vực xa trung tâm hơn và có thể di chuyển nhanh chóng hơn nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm - so sánh - mua nhà có thể trở nên dễ dàng hơn nhờ các nền tảng công nghệ: xem nhà 3D, mua chung BĐS, mua- thiết kế - cải tạo- bán lại - bảo hành.

2-custom-1-1640917632.jpg

Tuy vậy, thị trường cũng sẽ đón nhận không ít thách thức. Trong đó nổi bật là sự chuyển dịch từ offline lên online tạo áp lực lớn lên nhu cầu thuê của nhà phố. Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng lên, kéo theo lãi suất cho vay đã gây áp lực lên những người mua nhà bằng tiền vay ngân hàng .

Mặt bằng giá có xu hướng tiếp tục đi lên nhanh hơn mức tăng thu nhập của đa số người dân sẽ gây áp lực lên khả năng sở hữu nhà của người dân. Theo nghiên cứu của Propzy, có khoảng 30% số shop/cửa hàng/quán ăn tại khu vực phường Võ Văn Tần - Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (vốn là khu vực đắc địa ở TP.HCM trong việc kinh doanh thời trang và ăn uống) đã đóng của sau đợt dịch lần thứ 4 vừa qua.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam

Bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ Quý 1/2021 (lạm phát, chi phí VLXD tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ Quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.

4-custom-1-1640917632.jpg

Ngoài vấn đề về nguồn cung và sức cầu, giá cả, một số các dự báo về xu hướng chung của thị trường như khẩu vị mua bất động sản, sản phẩm, vị trí, hình thức đầu tư,… cũng rất đáng chú ý. Đó là, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là những địa phương gần các công trình hạ tầng giao thông lớn, có quy hoạch/pháp lý đầy đủ sẽ luôn thu hút khách đầu tư.

Về yêu cầu chất lượng sản phẩm, sau đợt dịch Covid-19, người mua ngày càng chú ý hơn đến môi trường sống đảm bảo an toàn và sức khoẻ, đặc biệt là thiết kế thông thoáng, cảnh quan cây xanh,… Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển.

Ông Phạm Văn Nam - Đồng sáng lập Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam 

Năm 2022 nguồn cung bất động sản công nghiệp có chất lượng vẫn tiếp tục khan hiếm. Giá đất công nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng cục bộ tại các khu vực có vị trí tốt tại hai khu vực miền Bắc và miền Nam. Với việc tỷ lệ tiêm chủng cao và dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, năm 2022 sẽ là năm bản lề để mở cửa trở lại các dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN, CCN. Ngoài ra, nhiều đơn vị đầu tư kho xưởng cũng đang ráo riết tìm kiếm các quỹ đất đẹp để phát triển kinh doanh cho thuê. Điều này sẽ làm phong phú hơn các phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2022.

5-custom-1-1640917632.jpg

Do đó, năm 2022 là một năm theo tôi là năm bản lề cho một chu kỳ phát triển mới, nhiều chủ đầu tư mới tham gia thị trường với nhiều mô hình khu công nghiệp mới. Tuy nhiên, thách thức vẫn có và nó vẫn đến từ Covid khi mà các nguy cơ bùng phát vẫn còn, điều này gây ra sự bất an đối với nhà đầu tư