Trung tâm thương mại trì hoãn kế hoạch mở cửa do dịch

Phạm Ánh Thúy
Nhiều trung tâm thương mại đã hoàn thành xây dựng nhưng trì hoãn kế hoạch khai trương khiến nguồn cung bán lẻ tại 2 thành phố lớn không có nhiều biến động trong quý vừa qua.

TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 30/5, trong đó các trung tâm bán lẻ ngừng phần lớn hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa. Điều này đã khiến một số trung tâm thương mại tiếp tục trì hoãn kế hoạch khai trương tới cuối năm, dù đã hoàn thành xây dựng, bao gồm trung tâm thương mại Socar Mall (Thủ Thiêm, quận 2, TP. Thủ Đức) và các trung tâm thương mại ở khối đế các dự án hỗn hợp.

Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung bán lẻ dự kiến chào đón 76.165m2 sàn cho thuê trong nửa cuối năm 2021, nổi bật là trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, việc khai trương các trung tâm bán lẻ trong năm 2021 đã bị trì hoãn nhiều lần do đại dịch. Và việc các trung tâm thương mại này có ra mắt kịp trong năm nay hay không sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong sáu tháng tới.

Do sự trì hoãn tham gia thị trường của các dự án mới, nên nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại trung tâm thương mại toàn thị trường gần như không thay đổi trong quý vừa qua, đạt 1,09 triệu m2 sàn tại TP.HCM và 962.000m2 tại Hà Nội, theo số liệu từ JLL.

Mặc dù đợt bùng phát dịch lần thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4, nhưng JLL chưa ghi nhận đợt trả mặt bằng hàng loạt tại các trung tâm thương mại trong quý vừa qua. Cụ thể, tỷ lệ trống tại các trung tâm quận 1 chỉ khoảng 2,9% và 4,1% ở các quận huyện ngoài quận 1; trong khi các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90%, tỷ lệ trống giữ vững ở mức 9,4% tính đến hết ngày 30/6/2021.

"Trong khi hầu hết các chủ nhà vẫn chưa tuyên bố các kế hoạch cấu trúc khách thuê hay mặt bằng thuê vì những biến động chưa chắc chắn của đại dịch, khách thuê cũng áp dụng chiến lược chờ đợi để thích ứng", theo báo cáo của JLL.

thi-truong-ban-le-evanto-1623733224.jpg
Nhiều trung tâm thương mại có kế hoạch ra mắt trong năm nay nhưng có thể tiếp tục trì hoãn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Điểm sáng của thị trường trong 3 tháng vừa qua là vẫn xuất hiện một số thương hiệu quốc tế thuê mặt bằng với diện tích lớn. Chẳng hạn như nhãn hàng siêu thị thể thao Decathlon vừa khai trương cửa hàng 3.000m2 tại trung tâm thương mại Vincom Megamall Thảo Điền vào cuối tháng 4, Jaguar Land Rover - thương hiệu xe ôtô nổi tiếng cũng vừa khai trương studio trải nghiệm tại Tràng Tiền Plaza hay thương hiệu thời trang Hàn Quốc Hazzy tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại Vincom Bà Triệu.

Tương tự thời điểm làn sóng dịch bùng phát vào quý II/2020, hầu hết các trung tâm thương mại có chủ trương miễn giảm tiền thuê cho khách, áp dụng cho giai đoạn giãn cách toàn xã hội trong suốt tháng 6. JLL ghi nhận giá thuê trung bình thực tế (chưa bao gồm VAT và phí quản lý) tại TP.HCM giảm 8,3% theo quý, với 70,4 USD/m2/tháng (tương đương với 1.620.000 VNĐ) ở khu vực trung tâm và 31,7 USD/m2/tháng (tương đương 730.000 VNĐ) ở khu vực ngoài trung tâm.

Giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội đạt 32,25 USD/m2/tháng (tương đương với 742.000 VNĐ), tăng 1,1% theo quý. Trong đó, giá thuê ở khu vực trung tâm là 62,8 USD/m2/tháng (tức 1.445.000 VNĐ) và không thay đổi tại khu vực ngoài trung tâm với 28,6 USD /m2/tháng (658.000 VNĐ)

Các chuyên gia JLL nhận định, tương lai của thị trường bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Các nhãn hàng nội địa sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều tổn thất nhất và khó lòng trụ vững nếu dịch bệnh kéo dài do áp lực tài chính lớn và đầu ra phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu nội địa. Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài mặc dù có thể vẫn tiếp tục kế hoạch dài hạn nhưng sẽ hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mở rộng trong ngắn hạn.

Phạm Ánh Thúy