Kiến thức Chuyên gia khuyên

Đất lọt khe: có “dễ ăn” như lời đồn? 

Lan Anh

Trên thị trường có rất nhiều người rao bán đất lọt khe và tung hô đây là mảnh đất có vị trí đắc địa. Vậy đất lọt khe có “dễ ăn” như lời đồn? 

Đất lọt khe là gì?

Đất lọt khe hay đất kẹt là những lô đất trống nằm ở vị trí giữa hai ngôi nhà. Những lô đất này thường thấy trong khu vực có rất nhiều nhà đã được xây dựng và có đông dân cư đổ về sinh sống, tuy nhiên vẫn còn sót lại một vài mảnh đất trống chưa ai đụng vào.

Đất lọt khe là mảnh đất nằm giữa hai hay nhiều căn nhà đã được xây dựng

Có nên mua đất lọt khe hay không?

Theo chia sẻ từ một số môi giới bất động sản, những mảnh đất lọt khe rất “có giá” nhờ sở hữu 3 lợi thế sau:

Thứ nhất là những mảnh đất lọt khe thường nằm trong những khu đông dân cư với những tiện ích và dịch vụ hiện hữu xung quanh.

Thứ hai là do khu vực xung quanh đã đầy ắp những nhà xây dựng sẵn nên lô đất “lọt khe” sẽ có thêm đặc tính khan hiếm. Nhờ ưu thế này mà việc tăng giá đất sẽ là chuyện hiển nhiên.

Thứ ba là tiết kiệm chi phí khi xây dựng bởi chủ nhà sẽ đỡ tốn công trát, sơn tường nhà ở hai bên. Ngoài ra, chủ đất cũng không cần phải dựng hàng rào để ngăn phần đất của mình.

Trước những nhận định từ môi giới, một số người tỏ ý không đồng tình. Họ cho rằng những mảnh đất này mua rồi thì khó bán được vì rất nhiều miếng bị hẹp về chiều rộng, phải chọn đội thiết kế “có gu” mới mong xây được ngôi nhà chất lượng. Cực chẳng đã, nhiều khi trong quá trình xây nhà có khi lại gặp nhiều vấn đề phát sinh với hàng xóm láng giềng.

Anh Mạnh Tường (40 tuổi, Bình Chánh) chia sẻ anh cũng vừa trải qua kỷ niệm đáng nhớ khi xây nhà trên đất lọt khe. Anh đã phải nhận vô vàn lời trách móc từ hàng xóm vì tiếng ồn trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt chung. Đội thi công phải tính toán tỉ mỉ và làm cẩn thận để không phạm móng hai nhà kề cạnh.

“Đất mua xong chưa biết có tăng giá hay không. Nhưng khi đo đạc thực tế mình phát hiện phần chiều rộng của đất không khớp so với trên sổ đỏ. Sau tìm hiểu mới biết là do hai nhà kế bên, mỗi nhà lấn 2,5cm là đất nhà mình bị chiếm dụng mất 5cm. Bây giờ mình cũng không biết giải quyết như thế nào”, một nhà đầu tư từng mua đất lọt khe cho biết.

Những điểm ‘khó nhằn’ khi xây nhà trên đất lọt khe

Đấy là những khó khăn từ phía những người mua đất để ở. Để có được góc nhìn rộng hơn về việc xây nhà trên đất lọt khe, Toàn Cảnh đã tiến hành khảo sát một số kiến trúc sư chuyên xây nhà dân dụng và đúc kết được một số vấn đề rắc rối mà nhà nhà đều gặp khi xây dựng trên đất lọt khe. 

Dễ gây nứt tường, lún sập hai nhà bên cạnh

Thi công đào móng gây nứt tường, lún sập hai nhà bên cạnh là một trong những vấn đề hàng đầu của những người xây nhà trên đất lọt khe. Nỗi lo này xuất phát từ nhiều tai nạn thực tế. Cụ thể vào đầu năm 2021, trong lúc đang đào móng xây nhà mới tại tỉnh Lào Cai, bên thi công đã khiến ngôi nhà 3 tầng bên cạnh bất ngờ đổ sập xuống đường. Hậu quả là chủ của ngôi nhà đang xây phải thương lượng mua lại cả 3 ngôi nhà bị ảnh hưởng với số tiền gần 5 tỷ đồng và hiện nay đang rao bán.

Người dân hiếu kỳ tới xem nhà bên cạnh bị đổ sập do thi công đào móng trên đất lọt khe

Theo lý giải từ chị Thùy Trang - Kiến trúc sư tại TP HCM cho biết, trong quá trình làm móng hay dậm sàn nếu nhà kế bên xây lâu đời cũng dễ gây lún, nứt tường nhà hai bên. Chính vì thế thông thường kiến trúc sư sẽ phải làm hệ móng thật kỹ, không để hệ móng quá sâu so với hai nhà liền kề.

“Kỹ thuật xây dựng ngày nay có thể giải quyết vấn đề này đơn giản. Tuy vậy nhiều người chấp nhận bỏ tiền tỷ nhưng ngại chi chục triệu đồng để thuê kiến trúc sư binh bản vẽ nhà, giám sát thi công mà tự thiết kế hoặc dùng bản thiết kế có sẵn. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi vị trí đất có nhiều vấn đề cần xử lý thế nhưng nhà thầu vẫn còn rập khuôn, áp dụng công thức chung khi xây nhà thì việc gặp sự cố là chuyện hiển nhiên”, chị Trang bổ sung thêm.

Dễ thấm nước mưa giữa hai nhà

Như đã đề cập ở phần trên, nhiều môi giới cho rằng chủ nhà đỡ tốn chi phí sơn trát tường hai bên. Nhận định này khiến các kiến trúc sư chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Chị Trang cho biết tuy nhà không cần phải sơn trát tường hai bên để có “giao diện” đẹp mắt nhưng vẫn phải thi công chống thấm ngược để tránh tình trạng tường phía trong nhà bị nước mưa ngấm vào, ố vàng, mọc rêu mốc,…

Khe tiếp giáp giữa hai nhà

“Những ngôi nhà xây trên đất lọt khe thường sẽ có khe tiếp giáp giữa hai nhà rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật xử lý phức tạp và chi phí cao hơn so với việc sơn trát tường thông thường”, chị Trang giải thích.

Bị hẹp chiều rộng 

Sau phần móng, bài toán khó tiếp theo của các kiến trúc sư là phải tối ưu công năng sử dụng của ngôi nhà bị hẹp chiều rộng. Với văn hóa sống chung nhiều thế hệ của người Việt, nếu xây theo cách thông thường nhiều gia đình sẽ cảm thấy thiếu diện tích, không gian phòng không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Một trong những phương pháp giải quyết được các kiến trúc sư đề xuất là ngăn phòng dài để tạo chiều sâu, thêm vào nhiều mảng xanh để “che” bớt sự thiếu hụt về chiều rộng.

Bản vẽ thiết kế nhà có diện tích 3,7x25m với đủ công năng phòng, thông gió và ánh sáng tự nhiên

Khó thông gió, lấy sáng tự nhiên

Mặt khác, khi xây dựng giữa những ngôi nhà san sát nhau sẽ gặp nhiều bất cập trong việc tìm kiếm giải pháp lấy sáng và thông gió. Nhiều người chấp nhận sự bí bách, thiếu sáng tự nhiên để có đủ phòng cho việc sinh hoạt. Nhưng về lâu dài, sống trong tình trạng tối tăm và phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo cũng như điều hòa sẽ khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Tất nhiên chi phí tiền điện đổ vào các thiết bị này cũng là một sự lãng phí lớn.

Anh Trung Trần – Kiến trúc sư tại TPHCM cho biết “Nhiều ngôi nhà ống hiện nay xây cạnh chỗ đất trống hay “tiện tay” khoét cửa sổ để hút ánh sáng tự nhiên. Thế nhưng sau này, chủ mảnh đất xây nhà cao lên lấp cả cửa sổ thì người hàng xóm kia phải tính làm sao? Vậy nên không chỉ những nhà xây trên đất lọt khe, mà cả những ngôi nhà ống xây san sát nhau nên tham khảo thêm biện pháp lấy sáng thông tầng, lấy sáng từ nóc để hút gió và ánh sáng tự nhiên”.

Giải pháp lấy sáng tự nóc được nhiều kiến trúc sư ứng dụng trong những ngôi nhà ống mọc san sát nhau


Khương Yên