Bất động sản công nghiệp phía Bắc: Tỷ lệ lấp đầy trên 80%

Hoàng Vy
Việc mở cửa đường bay và áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi nền kinh tế cùng nỗ lực thu hút đầu tư từ các địa phương, thị trường công nghiệp phía Bắc được dự đoán sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư ngoại.

Theo báo cáo quý I/2022 của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng sản xuất cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khi số ca nhiễm tăng mạnh. Song nhờ việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh của các doanh nghiệp và các địa phương, sản xuất công nghiệp trong quý vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Dòng vốn FDI chảy vào bất động sản công nghiệp và hoạt động sản xuất ở phía Bắc vẫn thể hiện mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nổi bật là các dự án VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án nhà máy chế tạo của Tập đoàn Goertek tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh tăng vốn gần 306 triệu USD. 

Sự kiện khởi công KCN Thuận Thành I, Bắc Ninh đã đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường ngay trong quý đầu năm mới, bổ sung thêm 160 ha đất cho thuê và nâng tổng diện tích quỹ đất công nghiệp tại miền Bắc lên hơn 10.024 ha. Trong khi đó, thị trường
nhà xưởng sản xuất trong quý I/2022 không ghi nhận nguồn cung mới, tổng nguồn cung tại khu vực miền Bắc vẫn ổn định ở mức 2,2 triệu m2.

bat-dong-san-cong-nghiep-phia-bac-min-1652153885.jpeg
Bất động sản công nghiệp phía Bắc sôi động nguồn cung mới dù ảnh hưởng của dịch bệnh

Xét về nguồn cung trong năm 2022 hứa hẹn sẽ dồi dào khi các tỉnh giáp Hà Nội đều có kế hoạch triển khai các KCN trên địa bàn. Điển hình phải kể đến KCN Xuân Cầu, Hải Phòng đã được khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng lúc, các KCN Bình Giang 2, Thanh Hà và Kim Thành đã được bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương. Tại Hưng Yên, khu công nghiệp số 5 đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Ở thị trường nhà xưởng sản xuất, một số dự án nổi bật dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm nay như khu nhà kho và nhà xưởng sản xuất giai đoạn 1 của liên doanh KTG-BKIM tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, khu nhà xưởng sản xuất giai đoạn 3 của BW Industrial tại VSIP Hải Dương sẽ bổ sung vào nguồn cung hiện còn đang hạn chế.

Báo cáo cũng cho thấy, giá đất công nghiệp trung bình trong quý I/2022 đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước do giá thuê ưu đãi hơn tại một số KCN ở vị trí kém thuận lợi và muốn đẩy nhanh tốc độ lấp đầy, nhưng vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng sản xuất không đổi theo quý, đạt mức USD 4,7/m2/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về sự phục hồi và phát triển của bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam dự báo, năm 2022, các phân khúc như bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là các phân khúc đang hút hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục có tăng trưởng tốt và có dự báo phát triển tích cực hơn.

Ông Chí Vũ, Trưởng phòng Kinh doanh - Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers Việt Nam đồng tình với quan điểm khi cho rằng phân khúc bất động sản công nghiệp đang có triển vọng tốt, nắm bắt xu hướng đa dạng hóa sản xuất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các khu vực vệ tinh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai ở phía Nam và Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh ở phía Bắc sẽ là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư. Các ngành kho bãi, hậu cần, thương mại điện tử có thể là động lực tăng trưởng chính của bất động sản công nghiệp trong năm nay.