Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, Bình Thuận được ví như vùng đất tiềm năng chưa được nhiều người khai phá. Từ những cơ sở quy hoạch hạ tầng và kinh nghiệm đầu tư thực tiễn, các khách mời đã đưa ra nhiều nhận định về “Bình Thuận: tiềm năng và thách thức” trong buổi giao lưu trực tuyến do cộng đồng Review Bất động sản (Review BĐS) tổ chức vào ngày 19/9.
Khi nói về quá trình phát triển của Bình Thuận, ông Huỳnh Ngọc Thanh – Nhà sáng lập & Tổng giám đốc HATALAND, cho biết vùng đất này đã bắt đầu tăng trưởng từ năm 2015. Chỉ trong 6 năm, thị trường BĐS Bình Thuận đã có nhiều biến động nhờ các công trình hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Phan Thiết (lớn thứ 3 miền Trung), KDL quốc gia Mũi Né…
Xem thêm: Toàn cảnh BĐS nghỉ dưỡng: Phan Thiết, Hồ Tràm, La Gi sẽ ‘nổi sóng’
Dưới góc nhìn là nhà đầu tư cá nhân, ông Đỗ Quý Duy – Giám đốc kinh doanh tập đoàn Hải Phát, cho biết ông đã có mức sinh lời tốt khi đầu tư vào Bình Thuận trong giai đoạn 2019 – 2020. Ông Duy bắt đầu bằng một lô đất biệt thự 220m2 tại Bình Thuận với tổng đầu tư 1,2 tỷ và sau 1 năm thu lời được 1 tỷ. Kế đến là đầu tư lô đất gồm 200m2 đất thổ cư và 300m2 đất trồng cây lâu năm với giá 4,5 triệu/m2 và chốt ở mức lời phù hợp sau 4 tháng, nhưng nếu tính đến hiện tại thì vị trí đấy đã tăng đến mức 17 triệu/m2.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Từ khảo sát từ cộng đồng Review BĐS cho thấy giá của Bình Thuận đang nằm ở “vùng trũng” khi so sánh cùng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Cụ thể, giá ở khu vực Biên Hòa – Vũng Tàu dao động ở mức 80 – 100 triệu/m2, Nha Trang trung bình 300 – 600 triệu/m2. Riêng khu vực Bình Thuận vẫn rơi vào nhịp 20 – 60 triệu/m2.
Đồng tình với kết quả khảo sát, ông Thanh cho biết mức giá hiện tại của khu vực Lagi vẫn giữ ở mức hợp lý. Tuy nhiên trong tương lai nếu Lagi đạt được 3 yếu tố: lên được thành phố, hoàn thành con đường ven biển và sân bay Long Thành hoạt động thì đất ở khu vực này sẽ còn đà tăng trưởng.
Ông Quý Duy chia sẻ thêm, để đánh giá được tiềm lực tăng trưởng của tỉnh Bình Thuận, chúng ta có thể so sánh với các thị trường BĐS nghỉ dưỡng khác có tính tương đồng, hình thành sân bay và cao tốc trong 2 – 3 năm trở lại. Theo đó, ông cho rằng thị trường Quảng Ninh là kiểu mẫu để các nhà đầu tư tham chiếu, bởi Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng có vị thế tương tự như Bình Thuận - TPHCM - Vũng Tàu. Cả hai tỉnh đều cách thủ đô Hà Nội, TPHCM khoảng 200km và có những bãi biển đẹp hơn Hải Phòng, Vũng Tàu.
“Khi hoàn thành cả cao tốc và sân bay thì giá toàn bộ thị trường tại tỉnh Quảng Ninh đều tăng trưởng. Những khu vực đất giá dưới 10 triệu/m2 thì có xu hướng tăng trưởng 2 – 3 lần, ở khu đất rộng và rẻ hơn thì mức tăng là 10 – 12 lần trong thời gian 2017 - 2021. Vậy nên trong giai đoạn 2021 – 2022, trước khi cao tốc hoàn thành thì thị trường Bình Thuận vẫn là cơ hội cho các nhà đầu tư”, ông Duy cho biết.
Thách thức đặt ra cho thị trường Bình Thuận
Song hành cùng cơ hội tiềm năng tại Bình Thuận vẫn luôn có những thách thức đặt ra cho nhà đầu tư trước khi quyết định xuống tiền tại khu vực này. Nhìn vào lợi thế cạnh tranh của tỉnh là du lịch biển và 10 mùa nắng để khai thác, ông Duy nhận định thị trường BĐS Bình Thuận đang có 5 “điểm gãy” sau:
Thứ nhất, Bình Thuận không phải là top 1 trong thị trường BĐS nghỉ dưỡng, chưa thể cạnh tranh lại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…
Thứ hai, quy hoạch vẫn còn là điều “nhức nhối”. Nhiều bãi biển đẹp được giao cho các khu resort và phần nào gây ảnh hưởng ngành du lịch, thị trường BĐS Bình Thuận.
Thứ ba, nhiều tình trạng phân lô bán nền ồ ạt, không đúng quy hoạch.
Thứ tư, các đợt thanh tra dẫn đến dự án bị chậm tiến độ 2 – 3 năm. Giá bán dự án sơ cấp tăng lên quá cao khiến thị trường không thể hấp thụ và dễ mất tính thanh khoản.
Thứ năm, bắt đầu từ năm 2021 quy trình cấp chuyển đổi sử dụng đất hàng năm sẽ siết chặt hơn.