Các bậc ba mẹ ai cũng mong muốn con mình có một cuộc sống sung túc. Đặc biệt, đối với những gia đình giàu có, những ham muốn này lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ mong có thể “trải thảm đỏ” cho con không chỉ về mặt tài chính, mà còn hỗ trợ cả hệ thống nhân lực, trí lực và quan hệ để giúp con mở rộng địa vị xã hội.
Theo TS. Alex Melkuman - chuyên gia tài chính và nhà tâm lý học cho biết người trụ cột trong những người có thường dành hầu hết thời gian để lo kiếm sống và chu cấp cho gia đình. Chính vì thế, họ họ thường dùng tiền bạc để bù đắp cho việc không có thời gian gần gũi, thể hiện tình yêu và sự quan tâm với con cái.
Tuy vậy sự hỗ trợ tài chính sẽ gây suy yếu khả năng độc lập, tự chủ của một đứa trẻ. Bất kỳ những gì chúng thích, chỉ cần hỏi xin ba mẹ đều có thể đáp ứng ngay. Khi việc gì cũng dễ dàng đạt được nhờ tiền, dần dà sẽ khiến con mất đi động lực để phấn đấu.
Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Bradley Klontz - nhà tâm lý học và hoạch định tài chính nhận định: “Khả năng độc lập tài chính của con cái phát triển chậm cho thấy chúng đang bị "tê liệt" về mục đích sống và động lực phát triển".
Cuộc sống phụ thuộc vào túi tiền của gia đình
Phần lớn chúng ta hay có suy nghĩ nếu đã xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, đứa trẻ đó ắt hẳn phải rất may mắn. Không chỉ có nền tảng gia đình vững chắc, các ý định khởi nghiệp hay đầu tư đều không cần lo lắng về rủi ro thất bại vì dù gì sau lưng họ cũng được “chống” bởi khối tài sản khổng lồ.
Thế nhưng mặt tối mà các gia đình giàu có là gì? Khi con cái đã quen với sống trong nhung lụa, các bậc phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục chúng độc lập tài chính dành cho những thứ mua sắm xa xỉ.
Anh Thông Võ (25 tuổi, TPHCM) cho biết bản thân anh cũng có sẵn một “chiếc ghế lớn” trong công ty gia đình. Mức thu nhập từ công việc không được bao nhiêu, nhưng anh được “sếp” cấp thêm một chiếc thẻ đủ để thanh toán những món hàng hiệu và các chuyến du lịch quốc tế hạng sang của mình.
“Nếu đến một ngày không nhận được sự chu cấp từ ba, với đồng lương từ công việc hiện tại chắc chắn không thể đáp ứng đủ mức sống mà tôi đang có. Còn chuyện độc lập, chuyển sang làm cho công ty khác thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới.”, anh Thông chia sẻ.
Mặt khác, cũng có một số bậc phụ huynh độc tài dùng tiền bạc để “trói buộc” con làm theo ý mình. Thông thường họ sẽ gửi cho trẻ thông điệp “Nếu không có ba mẹ giúp đỡ tiền bạc thì con không làm nên trò trống gì”. Các chuyên gia cố vấn tài chính cho biết rất nhiều gia đình giàu có đang gặp khó khăn trong việc tìm ra lằn giới giữa hỗ trợ và để con tự lập. Hầu hết các ba mẹ vì mong muốn con mình hạnh phúc, nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm đi trước nên thường xắn tay giúp đỡ quá nhiều mà quên tự hỏi rằng đó có phải là điều con cần và tốt nhất cho con không.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thế hệ millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1981 – 1998) của Tập đoàn HSBC trên 13 quốc gia (bao gồm Việt Nam), cũng chỉ ra có khoảng 35% người trẻ mua nhà cần phải có sự hậu thuẫn từ gia đình. Thêm vào đó cuộc khảo sát từ Savills cũng cho thấy tại hai thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, nhiều người trẻ có được nhà là nhờ ba mẹ hỗ trợ tài chính, hay thậm chí do thừa kế tài sản.
Khi thảo luận về vấn đề này, chị Thảo Nguyên (45 tuổi, TPHCM) cho biết “Tôi cảm thấy nhiều bạn trẻ ngày nay không thể tự chủ về tài chính và đây là trách nhiệm của bậc làm ba mẹ. Năm 4 tuổi, trẻ mua nhầm một món đồ chơi sau đó chúng vòi vĩnh, ba mẹ liền mua một món đồ chơi khác. Mọi thứ cũng chẳng thành vấn đề vì đó là vật có giá trị nhỏ. Nhưng khi con đã trưởng thành, thứ con muốn không phải là bịch bánh hay những món đồ chơi vài nghìn nữa mà đó là những món hàng hiệu, muốn mua nhà, du thuyền trị giá hàng chục tỷ. Khi ấy, ba mẹ lại tiếp tục chạy theo sau để thanh toán những mặt hàng xa xỉ đó? Dần dà sẽ tạo cho con thói ỷ y, cứ như vậy thì trẻ sẽ khó tự lập về tài chính về sau.
Đối với vấn đề tiền bạc hãy đối xử với con như người xa lạ. Tiền của con sẽ không là tiền của ba mẹ và ngược lại. Hãy cho con bệ phóng vững chãi và dạy con độc lập tài chính, đó mới là cách tốt nhất để giúp con phát triển”.
‘Chiều’ nhưng phải dùng ‘chiêu’
Ba mẹ hiển nhiên sẽ muốn đầu tư những gì tốt đẹp nhất cho con cái, nhất là khi gia đình có đủ mọi điều kiện. Nhưng điều quan trọng là đừng đưa cho trẻ “cá”, mà hãy trao “cần câu” để chúng tự bươn chải.
Sau khi đã tư vấn cho nhiều gia đình giàu có, các chuyên gia cố vấn tài chính đã vạch ra một chiến lược hỗ trợ ba mẹ hướng dẫn con độc lập tài chính như sau:
Thứ nhất, bằng nguồn lực của mình hãy để trẻ trải nghiệm nhiều nhất có thể. Từ đó ba mẹ có thể dạy con nhiều kỹ năng sống, hướng nghiệp và cách hoạch định tài chính từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên nếu đưa ra quá nhiều cơ hội cũng khiến trẻ bị choáng ngợp và thu mình vào vỏ bọc lười biếng. Vậy nên ba mẹ cần quan sát tố chất riêng của con cái để chọn lọc những con đường phát triển cụ thể và phù hợp nhất.
Thứ hai là vạch rõ ranh giới tài chính. Ba mẹ nên chia sẻ thẳng thắn về ngân sách sẽ sẵn sàng chi cho con đến khi tốt nghiệp đại học. Mọi chi tiêu phát sinh về sau con hãy tự gánh vác.
Thứ ba là dạy cho trẻ hiểu giá trị của đồng tiền và trách nhiệm của chúng trong cuộc sống. Hãy cho con biết dù khối tài sản của ba mẹ rất lớn, nhưng đó không phải tiền của con và con cần phải tự thân vận động tìm kiếm công việc đáp ứng mức sống mà mình mong muốn.
Với ba bước tưởng chừng đơn giản nhưng lại là hành trình hợp tác của cả ba mẹ lẫn con cái. Ở mỗi chặng đường lại là một thử thách mức độ kiên nhẫn của ba mẹ, tiết chế giúp đỡ mới là thể hiện yêu thương. Và ở con là nỗ lực phấn đấu để tách biệt khỏi sự bao bọc của ba mẹ, độc lập tài chính, tự chủ cuộc sống sau này của mình.