Dennis Ng Teck Yow: tân CEO của Novaland

Lan Anh
Sáng 17/3, ông Dennis Ng Teck Yow, cựu CEO Gamuda, được chính thức bổ nhiệm làm tổng giám đốc Novaland, thay ông Nguyễn Ngọc Huyên vừa từ nhiệm.

Nghị quyết bổ nhiệm tổng giám đốc mới nhiệm kỳ 2023-2028 được ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland), ký sáng 17/3. Theo công bố mới nhất, ông Dennis Ng Teck Yow sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc của Tập đoàn Novaland thay cho ông Nguyễn Ngọc Huyên từ 17/3/2023.

Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này có tổng giám đốc người nước ngoài từ khi thành lập đến nay. Gia nhập ban điều hành Novaland trong giai đoạn doanh nghiệp đang trải qua những biến động mạnh, profile của vị lãnh đạo này thu hút nhiều sự chú ý.

ceo-novaland-dennis-ng-teck-yow-1679057285.jpg
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tân CEO của Novaland

Ông Dennis Ng Teck Yow, người Malaysia, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Hull ở Anh. Ông có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược kinh doanh, đầu tư và phát triển dự án, phân tích và hoạch định tài chính tại các công ty đầu tư và quản lý bất động sản. Ông cũng là thành viên của nhiều Hiệp hội về Tài chính – Ngân hàng và Xây dựng quốc tế.

Vị doanh nhân người Malaysia là nhân vật không xa lạ với giới kinh doanh bất động sản Việt Nam, khi ông từng là Tổng Giám đốc của Gamuda Land Việt Nam và đã có tới 26 năm gắn bó với tập đoàn này.

Tại Gamuda, từ tháng 4/1997 đến tháng 12/2011, ông làm kiểm soát tài chính khu vực Ấn Độ, Trung Đông và Việt Nam.

'Thị phần' của Gamuda Land tại Việt Nam

Được thành lập vào năm 1995, Gamuda Land là bộ phận phát triển bất động sản của Gamuda Berhad - tập đoàn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu Malaysia. Tập đoàn Gamuda cũng là chủ của hai dự án đình đám Gamuda City và Celadon City diện tích hàng trăm ha tại Hà Nội và TP. HCM - hai công trình mỗi năm đem về doanh số bán hàng ''khủng'' cho tập đoàn mẹ.

Gamuda Land đến thời điểm này đã có 12 khu đô thị và 9 dự án cao ốc tích hợp quy mô lớn ở Malaysia, Singapore, Việt Nam và Úc, có tổng giá trị phát triển (GDV) lên đến trên 5,5 tỷ USD.

Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Gamuda, trong tổng doanh thu hơn 1,1 tỷ USD tập đoàn ghi nhận năm 2021 và khoảng 1,5 tỷ USD năm 2020, thị trường Việt Nam đóng góp gần 66 triệu USD năm 2021 và gần 200 triệu USD năm 2020.

tai-san-dai-han-gamuda-1679057285.jpg
Tài sản dài hạn tại Việt Nam tính đến cuối năm 2021 đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các quốc gia Gamuda hiện diện

Ngoài Malaysia, tài sản dài hạn tại Việt Nam tính đến cuối năm 2021 đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các quốc gia Gamuda hiện diện.
Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, Gamuda Land hiện đang đầu tư hai khu đô thị đình đám là Gamuda City quy mô 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Celadon City rộng 82 ha tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp được ghi nhận là một trong các nhà phát triển bất động sản nước ngoài hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Gamuda cho biết, doanh số bán hàng của Gamuda City tại Hà Nội và Celadon City tại Hồ Chí Minh cũng đóng góp lớn nhất cho doanh số bán hàng ở nước ngoài của tập đoàn này.

Với quy mô 274ha, dự án Gamuda City được quy hoạch tại phường Trần Phú và Yên Sở Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Gồm 4 Phân khu: Gamuda Gardens (82ha), Gamuda Lake, Gamuda Central (100ha), Công Viên Yên Sở (150ha).

cong-vien-yen-so-gamuda-land-1679059416.jpg
Công Viên Yên Sở sau khi được Gamuda Land xây dựng

Gamuda Land đã hoàn thành toàn bộ khu đô thị Gamuda Gardens 75ha, Đã bàn giao xong 1.200 căn biệt thự, liền kề, nhà phố và 2.500 căn hộ chung cư. Các tiện ích trường học, trung tâm thương mại, Nhà câu lạc bộ, Bể bơi, công viên đã hoàn thiện đồng bộ và đi vào sử dụng.

Còn Celadon City (Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng) nằm tại quận Tân Phú, Tp. HCM cũng có vị trí trung tâm với bốn khu vực gồm Ruby, Emerald, Sapphire, Diamond. Khởi công năm 2010, dự án dự kiến cung ứng hơn 7.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng gần 30.000 người.

Tuy nhiên tháng 2/2023, Celadon City được liệt vào 1 trong 7 dự án bất động sản vướng mắc được TP.HCM họp tháo gỡ do vấn đề chuyển nhượng dự án và nghĩa vụ đóng thuế.

celadon-city-tan-phu-1679059629.jpg
Celadon City được liệt vào 1 trong 7 dự án bất động sản vướng mắc tại TP.HCM

Dự án ban đầu có diện tích hơn 90,08 ha thuộc chủ đầu tư Sacomreal, sau này chuyển pháp nhân cho Công ty CP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (do Gamuda Land sở hữu) và được UBND TP chấp thuận điều chỉnh diện tích 82,5 ha, hơn 8 ha còn lại là công viên cây xanh.

Theo Gamuda Land, khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận. Tuy nhiên sau đó, TP yêu cầu chủ đầu tư mới đóng phần thuế hơn 400 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án... Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.

Ngọc Minh