Điểm tin bất động sản 17/3: Chuyên gia khuyên 'chưa phải lúc gia nhập thị trường chứng khoán'

Lan Anh
Lâm Đồng “chốt” phương án xử lý phân lô, tách thửa, đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, xây dựng phát hành thành công,... là những tin tức đáng chú ý sáng ngày 17/3.

Lâm Đồng “chốt” phương án xử lý phân lô, tách thửa

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Công văn số 1952/UBND-ĐC1 chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh Bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo đó, đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản), UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo từng nhóm có liên quan.

Cụ thể, đối với khu vực, diện tích đất phù hợp với các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Đồng thời, lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

nhu-cau-second-home-lam-dong-1663061409.jpg
UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Công văn số 1952/UBND-ĐC1 chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh Bất động sản

Nhóm thứ thứ hai, đối với các khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Song song với đó, thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý các vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở (nếu có),… theo quy định.

Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chỉnh thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Đối với nhóm thứ ba là các các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở,… theo quy định.

Đối với các trường hợp này không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư.

Đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư

Trong bản thảo vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cần quy định thời hạn sử dụng, sở hữu nhà chung cư. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất là sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn.

Giải thích của Chính phủ là luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

"Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư", tờ trình Chính phủ nêu.

Đề xuất này được rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ, bởi lẽ, nếu sở hữu chung cư có thời hạn, giá thành sẽ rẻ hơn, lại thuận tiện trong sửa chữa hoặc xây mới khi hết thời hạn.

Hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, xây dựng phát hành thành công

Sau Nghị định 08, dòng vốn trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng với 4 đợt phát hành, tổng giá trị huy động 7.085 tỷ đồng. Thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau Nghị định 08 đã có hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, ngày 10/3, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas (trước đây là Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Tân Liên Phát Sài Gòn) đã huy động thành công 2.300 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu trong nước.

phat-hanh-trai-phieu-bat-dong-san-min-1679022625.jpg
Sau Nghị định 08, dòng vốn trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng với 4 đợt phát hành

Theo đó, Dream City Villas phát hành 23.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2028. Lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định 6%/năm và thả nổi. Mục đích phát hành không được doanh nghiệp đề cập.

Cũng trong ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024, có lãi suất 13%/năm, là loại lãi suất kết hợp (kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi).

Đây là lô trái phiếu có giá trị lớn nhất được phát hành thành công trong khoảng 1 năm trở lại đây. Lô trái phiếu cuối cùng có giá trị trên 4.000 tỷ được ghi nhận trong khoảng thời gian này là của Novaland (NVL) với giá trị 5.543 tỷ đồng, phát hành ngày 19/05/2022.

Chuyên gia Yuanta: chưa phải lúc gia nhập thị trường chứng khoán

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục chìm nổi trước nhiều biến số khó lường. Trái ngược với tín hiệu tích cực trong nước, áp lực tâm lý trên thị trường vẫn khá lớn khi liên tục đón nhận những tin kém tích cực từ một số nhà băng trên thế giới.

Mới đây nhất là những khó khăn xoay quanh Credit Suisse - một trong những ngân hàng lâu đời và có quy mô vào loại lớn nhất thế giới. Tâm lý nhà đầu tư dường như rất yếu và hoang mang khi thị trường có quá nhiều tin tốt, xấu đan xen. Trong bối cảnh thị trường nhiễu động, nhà đầu tư nên hành động ra sao?

thi-truong-chung-khoan-min-1679022820.jpg
Rắc rối tài chính bủa vây ngân hàng Credit Suisse

Nêu quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt nam cho rằng những thông tin trên tác động không quá mạnh mẽ và tâm lý thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.

Về áp lực đến từ Credit Suisse đến Việt Nam, chuyên gia cho rằng nếu ngân hàng này phá sản thì chắc chắn không tránh khỏi tác động đến Việt Nam. Bởi đây là đơn vị thu xếp vốn trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse trong trường hợp cần thiết nên sẽ không dẫn đến bán tháo tài sản. Áp lực của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng nguồn vốn vay của Credit Suisse cũng không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Thứ hai, áp lực cho việc huy động vốn mới khi thu xếp vốn của cũng khá khó vì nguồn lực tài chính không dồi dào như trước. Do đó, trong trường hợp một số doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu dựa trên nguồn vốn của Credit Suisse sẽ khó hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh với lo ngại về hiện tượng "bank run" tại Việt Nam hoàn toàn không xảy ra.

“ Tâm lý thị trường thận trọng do nhiều người lo ngại bức tranh khủng hoảng như Lehman Brothers năm 2008 sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì hệ thống ngân hàng đã được bổ sung bộ đệm vốn ổn hơn trước rất nhiều ”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Tuy nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của sự kiện này không quá lớn, song chuyên gia Yuanta vẫn cho rằng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, ưu tiên chiến lược phòng thủ. Bởi lãi suất huy động trong nước đã hạ nhiệt, song xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều. Dù vậy, với những cú sụp đổ của các ngân hàng trên thế giới, Fed sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất thời gian tới. Động thái của Fed sẽ là “kim chỉ nam” cho mọi quan điểm.

Fed bơm 2.000 tỷ USD thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ

BTFP (Bank Term Funding Program) là chương trình cho vay khẩn cấp ra đời sau vụ 3 định chế tài chính gồm SVB, Signature Bank và Silvergate Capital sụp đổ.

Theo nhận định của ngân hàng JPMorgan Chase, chương trình cho vay khẩn cấp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bơm tới 2.000 tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng Mỹ, giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng.

Nhiều khả năng các ngân hàng lớn nhất không cần sử dụng đến BTFP, nhưng chương trình này nếu được sử dụng tối đa có thể bơm thêm tới 2.000 tỷ USD vào hệ thống. Con số 2.000 tỷ USD tương đương với lượng trái phiếu mà các ngân hàng nằm ngoài top 5 lớn nhất ở Mỹ đang nắm giữ.

Giá vàng hôm nay (17-3): Vàng trong nước tăng mạnh

Rạng sáng hôm nay, giá vàng trong nước đảo chiều tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 350.000 đồng/ lượng lên quanh ngưỡng 67 triệu đồng/ lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới gần như đứng yên.

Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,02 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào cao hơn 200.000 đồng nhưng bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng Vietinbank Gold đang thu mua mức 66,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,02 triệu đồng/lượng.

Vàng

Giá mua vào

Giá bán ra

DOJI Hà Nội

66.000.000 VND/ lượng

66.950.000 VND/ lượng

DOJI TP Hồ Chí Minh

66.300.000 VND/ lượng

66.950.000 VND/ lượng

SJC TP Hồ Chí Minh

66.300.000 VND/ lượng

67.000.000 VND/ lượng

SJC Hà Nội

66.300.000 VND/ lượng

67.020.000 VND/ lượng

SJC Đà Nẵng

66.300.000 VND/ lượng

67.020.000 VND/ lượng

Phú Quý SJC

66.200.000 VND/ lượng

66.950.000 VND/ lượng

Vietinbank Gold

66.300.000 VND/ lượng

67.020.000 VND/ lượng

Thiện Phát