Điểm tin bất động sản 9/11: Thanh Hóa khai tử 21 dự án treo

Lan Anh
Nhiều chủ đầu tư Hà Nội gặp khó khi khởi động dự án mới khiến nguồn cung quý IV/2022 giảm 2.500 căn; Chủ đầu tư giải vây bằng chính sách lãi suất thấp; Thanh Hóa khai tử hàng loạt dự án treo… là những tin tức đáng chú ý sáng 9/11.

89,88ha diện tích đất bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi

Dù đã tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư thuê đất, giao đất… song vẫn có đến 164 dự án bị UBND tỉnh Thanh Hóa phát hiện chậm tiến độ quá 24 tháng trong đợt kiểm tra vừa qua. Nguyên nhân chính hầu hết do các cơ quan chọn nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, không đủ năng lực triển khai hoặc cố ý không triển khai ngay lập tức để chờ thời cơ. Song song đó vẫn tồn tại tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định pháp luật về giãn và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để vụ lợi, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.

toan-canh-bat-dong-san-diem-tin-1667967974.jpg

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã công bố “khai tử” 21 dự án chậm tiến độ hoặc không đạt hiệu quả như cam kết ban đầu, tương đương 89,88 ha diện tích đất. Động thái thu hồi nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Nhiều dự án lớn như nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa, khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC... cũng nằm trong danh sách bị “khai tử” lần này.

Trong đó, khu công nghiệp FLC Hoàng Long dù khởi công từ tháng 9/2015 với tổng mức đầu tư lên đến hươn 2.300 tỷ đồng, sau 7 năm vẫn chưa thành hình. Khuôn viên dự án hiện không có gì ngoài một cổng chào. Lợi ích cam kết mang lại ban đầu hiện cũng chỉ nằm trên giấy. Tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chấm dứt hoạt động của dự án này.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ khác. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh cũng ban hành Quyết định về thành lập tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn. Qua đó, tỉnh có thể nắm bắt rõ tình hình, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ kịp thời nhằm khắc phục tình trạng nhiều dự án “treo”.

Nguồn cung căn hộ Hà Nội giảm 2.500 căn trong Quý 4

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 do JLL Việt Nam công bố ghi nhận nguồn cung mới trong quý tại Hà Nội qua giảm 19,3%. Toàn Thủ đô chỉ có 3.505 căn hộ được ghi nhận mở bán chính thức. Do vướng mắc về mặt pháp lý và một số quy trình, tương tự quý trước, nguồn cung mới của quý này chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu thuộc các khu đô thị phức hợp lớn. Phân khúc trung cấp và cao cấp lần lượt chiếm 83,3% và 15,7% tổng nguồn cung mới.

bat-dong-san-diem-tin-tuc-1667967856.jpg
Nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội chưa có dấu hiệu suy giảm

Tuy nhiên nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì, chưa có dấu hiệu suy giảm dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Cụ thể, trong Quý 3, lượng giao dịch căn hộ đạt 3.970 căn, tăng 2,6% so quý trước. Những dự án đến từ các khu đô thị quy mô lớn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số bán hàng. Tỷ lệ hấp thụ phân khúc trung cấp ở mức 78%, dẫn đầu toàn thị trường. Dẫn sau là thị trường cao cấp với mức tăng 66,8%. Chuyên gia nhận định các chủ đầu tư đang định hướng đúng khi liên tục tung các chính sách bán hàng hấp dẫn, kích cầu mua nhà, giúp họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường địa ốc cả nước ảm đạm.

Chủ đầu tư giải vây cho người mua bằng chính sách lãi suất thấp

Tình trạng siết tín dụng cùng lãi suất ngân hàng tăng cao khiến các nhà đầu tư thời gian qua “chới với”, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tỷ lệ hấp thụ, khiến thanh khoản ở cả ba phân khúc sơ – trung – cao cấp yếu ớt. Theo đó, để sớm vượt qua khó khăn, nhiều chủ đầu tư đã chủ động đề xuất các chính sách ưu đãi hấp dẫn người mua để thúc đẩy thị trường.

Chính sách lãi suất thấp nhiều chủ đầu tư đang áp dụng hiện nay được xem là giải pháp nhằm kích thích tâm lý người mua nhà trong bối cảnh “khó chồng khó”. Đơn cử như mới đây, Tập đoàn An Gia ra chính sách hỗ trợ khách mua nhà tại dự án The Standard với mức lãi suất vay cố định 5%. Người mua có thể thanh toán trước 30% và nhận nhà ở ngay hoặc khai thác cho thuê, đầu tư kinh doanh. Còn lại, ngân hàng giải ngân với lãi suất cố định 5%/năm trong 2 năm. Lãi suất cố định này ở thời điểm hiện tại được xem là chính sách “mạnh tay” của chủ đầu tư.

Phú Đông Group cũng không kém cạnh khi ra chính sách thanh toán 0,5%/tháng với dự án Phú Đông SkyOne, cam kết thuê lại cố định 12 triệu/tháng. Doanh nghiệp này còn áp dụng chính sách thanh toán 20% khi mua nhà, 50% còn lại ngân hàng hỗ trợ với lãi suất 0% kèm ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà.

"Ông lớn" BĐS Nam Long Group mới đây cũng tung gói ưu đãi cho các dự án tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Khách hàng có thể thanh toán 50% là được nhận nhà. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, doanh nghiệp này tung chương trình "30 năm vững vàng - Trao ngàn tri ân" cho khách hàng mua dự án Flora Panorama và Akari City, tổng giá trị ưu đãi lên đến 5%.

Các chính sách ưu đãi trên được xem là động thái đánh thẳng vào tâm lý người mua nhà khi lãi suất ngân hàng tăng mạnh. Dù chưa thể chứng minh hướng đi này giúp vực dậy thị trường địa ốc cuối năm hiệu quả hay không, song trước mắt các chủ đầu tư vẫn giải quyết tạm thời vấn đề rổ hàng tồn đọng từ suốt đầu năm 2022.

Theo CafeF, VnEconomy

Tâm Tâm