Miền Nam: vốn ít vẫn “ra trận"

Chị Kim Trang (Nhà Bè, TP.HCM) “mạnh dạn" xuống tiền lô đất trị giá hơn 1,2 tỷ khi có trong tay 450 triệu đồng. Chị vay ngân hàng gần 900 triệu với tỷ suất 9%/năm. Tám tháng sau, chính người môi giới ban đầu giúp chị mua lô đất đó đã kết nối cho khách mới, trả 1 tỷ 640 triệu. Vậy là sau khi trừ các chi phí, chị lời 320 triệu, trung bình 40 triệu mỗi tháng, là con số khá “ngon lành" của thời năm 2015.

Quan điểm “có tiền tỉ mới đầu tư bất động sản" ít tồn tại trong suy nghĩ của người miền Nam. Dù chỉ có vài trăm triệu trong tay, họ cũng liệu cơm gắp mắm, tìm các nguồn đất ở vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, xa hơn là Bình Phước, Lâm Đồng để đầu tư. Họ có thể vay ngân hàng số tiền còn thiếu hoặc kêu gọi 2-3 người quen để mua chung, sau khi tính được bài toán tài chính phù hợp. Thậm chí, ở TP.HCM, không khó để tìm thấy những bà bán quán nước, ông xe ôm… trong những đợt môi giới dẫn khách đi xem đất tỉnh lẻ. Tích lũy được ít tiền, họ tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn hẳn thu nhập hàng tháng từ việc mua đất rồi bán lại. 

mien-nam-it-ra-tran-1628786252.jpg
Một dự án BĐS ở Long An, điểm nóng vùng ven HCM. Ảnh: Tuyết Nhi.

Các nhà đầu tư Hà Nội thường chuẩn bị dòng vốn lớn, với nếp tư duy tích lũy tài sản đời này qua đời khác phổ biến ở miền Bắc. Người Bắc cũng ít có thói quen chia sẻ chuyện đầu tư với người khác, e ngại làm ăn chung dễ mất bạn bè nên thường ít hùn nhau đầu tư chung.

Trong những đợt giá vàng chạm đỉnh, các cửa hàng vàng lớn ở Hà Nội thường xuất hiện những người “ôm" hàng vài chục, thậm chí cả trăm cây vàng đến bán để lấy tiền mặt (đã lời kha khá) đi mua đất. Đặc biệt trong năm nay, giá bất động sản ở miền Bắc luôn tăng biến động, người “sẵn vốn" là người có cơ hội cao hơn để chốt đơn. Thị trường nơi này vẫn sôi động dù ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo báo cáo thị trường quý II/2021 của Savills về thị trường Hà Nội, giá sơ cấp trung bình của Biệt thự tăng 10% theo quý và 3% theo năm, trong khi đó, giá trung bình của Nhà liền kề tăng 11% theo quý và 16% theo năm. 

Ngoài ra, Hưng Yên là một trong những khu vực đang nổi lên đáng chú ý tại thị trường BĐS miền Bắc, cùng với Bắc Ninh và Quảng Ninh. Theo CBRE, giá đất tại Hưng Yên tăng 12% so với cùng kỳ trong 2020, cao hơn mức tăng trung bình 7,6% so với cùng kỳ của Hà Nội.

Nam tiến chứ ít Bắc tiến

Trong ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam, có câu nói cửa miệng là “hầu hết Nam tiến chứ mấy ai Bắc tiến". Xu hướng đầu tư bất động sản cũng tương tự như vậy.

​​Có khoảng 70-80% khách sạn hạng 2-3 sao tại TP HCM là thuộc sở hữu nhà đầu tư gốc miền Bắc. Người trong nghề không lạ gì làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhà đầu tư phía Bắc hơn 10 năm qua tại nhiều thị trường như TP.HCM, Ðồng Nai hay các thành phố du lịch lớn của Việt Nam (Đà Lạt, Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang…).

BÐS miền Nam đáp ứng được nhu cầu dễ mua, dễ bán, dễ cho thuê lại hội tụ nhiều thương hiệu lớn, uy tín, tỷ suất sinh lời cao... đã nhanh chóng trở thành "thỏi Nam châm", khiến các nhà đầu tư kỹ tính phía Bắc không ngại ngần mở hầu bao rót vốn. không gian sống phía Nam với chợ, trường học, cơ sở hạ tầng, cây xanh, tiện ích, khí hậu dễ chịu hơn so với Hà Nội… cũng tác động đến quyết định của các nhà đầu tư miền Bắc. 

nam-tien-bac-tien-1628786252.jpeg
Lâm Đồng là một trong những cái tên “hot" khi nhà đầu tư BĐS miền Bắc vào Nam tìm hàng. Ảnh: Tuyết Nhi.

Ngược lại, các nhà đầu tư phía Nam, nhất là đầu tư cá nhân, có sự dè dặt nhất định trong việc lựa chọn nguồn hàng ở phía Bắc. Tâm lý ngại cách làm việc khác nhau, không muốn rơi vào thủ tục quá nhiều bước khi muốn mua đi bán lại nhanh chóng, cũng như tốn thêm thời gian tìm hiểu và nắm bắt thị trường khiến họ không “Bắc tiến". 

Điểm chung: hướng đến BĐS có khả năng khai thác tiêu dùng

Những năm gần đây, “khẩu vị" về sản phẩm BĐS của nhà đầu tư hai miền đều dần hướng đến những món hàng có thể khai thác tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận lợi. Cụ thể là cho thuê (nhà ở, văn phòng, kho bãi…). Khi đó họ có dòng tiền ổn định, sinh lời ngay trên vốn đồng thời đảm bảo khả năng tích lũy tài sản. Nhất là trong hai năm nay, dịch Covid-19 diễn ra ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế xã hội. Bài toán tài chính của việc vay ngân hàng và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả được xem xét kỹ lưỡng. Dễ thấy như các khu chung cư cao cấp của Vinhomes, Novaland… ở cả hai miền, hoặc các khu biệt thự ở Quận 2… có tỷ lệ chốt đơn rất cao từ những lần mở bán đầu tiên. Sản phẩm này có tiềm năng cho thuê cao, đặc biệt là giới expat cần căn hộ để thuê chứ không mua. 

Còn những sản phẩm đặc thù hơn như đất nền dự án, bất động sản công nghiệp, condotel nghỉ dưỡng… vẫn là cuộc chơi của những nhà đầu tư thật sự trường vốn, để dành hàng được 3-5 năm thậm chí hơn mà không ảnh hưởng gì. 

Và dù có đến từ vùng miền nào, tìm hiểu sản phẩm ở đâu, thì các nhà đầu tư đều nên lưu ý: Pháp lý quan trọng hàng đầu; biết mình biết ta, không đầu tư theo tâm lý đám đông; xác định bài toán tài chính rõ ràng trong thời gian nhất định.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam và Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cuối quý III, sang quý IV thị trường mới hồi phục. 

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam VREC nhận định khó khăn hiện tại chỉ chủ yếu đến từ việc vắng bóng các hoạt động lý tính: mở bán, giao dịch, xem đất… chứ nhu cầu của nhà đầu tư vẫn cao. Bất động sản từ xưa đến nay đã qua rất nhiều chu kỳ đồ thị hình sin, có lên và có xuống. Nhưng dù có xuống đi nữa thì vẫn khó về sâu dưới giá ban đầu. Kênh đầu tư phù hợp của các nhà đầu tư trong thời điểm này có thể là cổ phiếu bất động sản. Các cổ phiếu của các chủ đầu tư uy tín, sức khỏe tài chính tốt trên thị trường cũng sẽ có nhiều triển vọng trong giai đoạn ngắn hạn tới.