Các tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng

cao-toc-khu-vuc-phia-nam-1638927339.jpg
Sơ đồ 19 tuyến cao tốc phía Nam. Nguồn: plo.vn

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh)

Tổng vốn đầu tư: 15.900 tỷ đồng (giai đoạn 1)
Thời gian: 2021 – 2025 (giai đoạn 1)

Theo quy hoạch, dự án nằm trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, điểm đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đường song song với quốc lộ 22, tiến về điểm cuối nằm ở quốc lộ 22 thuộc cửa khẩu Mộc Bài. Chiều dài toàn tuyến cao tốc là 50km, đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km có 8 làn xe và 26,3km qua địa phận tỉnh Tây Ninh với 6 làn xe. 

cao-toc-tphcm-moc-bai-1638927339.jpg
Cao tốc TP.HCM-Mộc Bài sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025 theo thống nhất của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh

Sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự tính sơ bộ là 15.900 tỉ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021-2025. Tuy nhiên đến này vẫn chưa thể khởi công do còn vướng mắc nguồn vốn cân đối 5.901 tỷ đồng cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt

Tổng vốn đầu tư: khoảng 25.900 tỷ đồng (Dầu Giây – Bảo Lộc)
Thời gian: 2021 – 2025 

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt nằm trong quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam phát triển đến năm 2030. Tổng chiều dài dự án là 208 km với mặt cắt ngang 4 làn xe được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Trong đó, tuyến đường được chia thành 3 phân kỳ chính: Dầu Giây – Tân Phú dài 60km, Tân Phú – Bảo Lộc 67km, Bảo Lộc – Liên Khương dài 73km. Hiện nay, một đoạn khoảng 19km từ Liên Khương đến thành phố Đà Lạt đã hoàn thành.

Dự án được kỳ vọng khi thông tuyến sẽ gỡ được điểm đen kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20. Khi toàn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ chỉ còn 3 tiếng.

Đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư hơn 7.700 tỷ, dài khoảng 60km, bề rộng nền đường có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (trùng với điểm cuối cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây), điểm cuối tại giao cắt quốc lộ 20 thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. 

Đoạn cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 18.200 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài 67 km, đi qua tỉnh Đồng Nai (huyện Tân Phú) khoảng 11 km và tỉnh Lâm Đồng khoảng 56 km. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Trong tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng cũng vừa chấp thuận tiếp tục triển khai dự án đoạn Bảo Lộc – Liên Khương để sớm nối thông tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt.

Tuyến cao tốc Bắc – Nam

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có chiều dài toàn tuyến hơn 2.000km, có điểm đầu tại Lạng Sơn, điểm cuối tại Cà Mau. Hiện đã có 478km đường đã đưa vào khai thác, đang đầu tư 829km (11 dự án), còn lại 729km (chia làm 12 dự án).

cao-toc-bac-nam-1638934549.jpg
Các tuyến cao tốc Bắc – Nam

1. Cao tốc TPHCM – Cần Thơ

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Tổng vốn đầu tư: hơn 12.000 tỷ đồng
Thời gian: Dự kiến hoàn thành quý I/2022

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt 85% khối lượng, đang thi công nước rút để kịp thông xe dịp Tết Nguyên đán 2022.

cao-toc-can-tho-tphcm-1638927339.jpg
Sơ đồ toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ, trong đó đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến với đoạn TPHCM - Trung Lương. Ảnh: Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng Giao thông Cửu Long

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dài 51km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang, kết nối với cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Tuyến đường hoàn thành sẽ giúp giao thông vùng Tây Nam Bộ với TPHCM thông suốt

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Tổng vốn đầu tư: 4.800 tỷ đồng
Thời gian: Dự kiến hoàn thành năm 2022

Cuối tháng 11/2021, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 23km, trong đó có hơn 10km đi qua tỉnh Đồng Tháp còn lại chạy dọc trên địa phận Vĩnh Long. Điểm đầu dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối quốc lộ 1, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh. 

cao-toc-my-thuan-can-tho-1638927339.jpg

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang dần thành hình

Tuyến đường được thiết kế 100km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m. Trong giai đoạn một của dự án quy mô đường chỉ mở 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án được khởi công đầu năm 2021 đến nay giải phóng mặt bằng đạt hơn 97%, dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2022 và khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023.

2. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết – Vĩnh Hảo (Đồng Nai – Bình Thuận)

Tổng vốn đầu tư: 23.500 tỷ đồng
Thời gian: Dự kiến hoàn thành cuối năm 2022

Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây được chia thành hai phân kỳ, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Cả 2 gói thầu đều được khởi công vào cuối tháng 9 năm ngoái.

Trong đó đoạn cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo có vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, tổng chiều dài hơn 100km với quy mô 6 làn xe, mặt đường rộng 32m. Hiện tuyến đường thi công chậm do thiếu lượng lớn vật liệu đất đắp nền ở nhiều điểm thi công. Tuy nhiên phía nhà thấu cho biết sẽ điều phối lực lượng để kịp tiến độ gói thầu. Riêng dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư 12.500 tỷ đồng với chiều dài 99km, mặt đường rộng hơn 32m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120km/h. Cả hai dự án đang được dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2022.

3. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Đà Nẵng – Quảng Trị)

Tổng vốn đầu tư: 7.700 tỷ đồng
Thời gian: Dự kiến hoàn thành quý I/ 2022

Tuyến cao tốc được đầu tư gần 7.700 tỷ đồng, dài hơn 98km nối Cam Lộ (Quảng Trị) với La Sơn (Thừa Thiên Huế). Dự án được khởi công vào tháng 9 năm ngoái và dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2022.

cao-toc-cam-lo-la-son-1638927339.jpg

Tuyến cao tốc Cam lộ - La Sơn sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển tỉnh miền Trung

Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc này có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng với đoạn vượt xe sẽ lên quy mô 4 làn, mặt cắt ngang rộng 23m. Trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng quy mô toàn tuyến lên 4 làn xe.

4. Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình – Thanh Hóa)

Tổng vốn đầu tư: 12.111 tỷ đồng (giai đoạn 1)
Thời gian: Dự kiến hoàn thành quý I/ 2022

Dự án Mai Sơn - Qquốc lộ 45 đi qua hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa dài 63,4km. Điểm đầu tuyến tại nút giao với đường tỉnh 477 (thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình), nối với điểm cuối tại nút giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Ở giai đoạn 1, dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 được đầu tư 12.111 tỷ đồng, gồm 5 gói thầu từ số 10 XL đến số 14 XL. Tuyến đường được xây dựng với 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng nền đường lên 32,25m với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Từ tháng 9 – 11/2021, dự án đã được khởi công 4 gói thầu từ số 10-XL đến 13-XL.

Trong quá trình thi công tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ quy hoạch thêm 2 hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi.

Hầm Tam Điệp 

Hầm xuyên núi Tam Điệp dài 245m kết nối tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình. Đây là một hạng mục thuộc gói thầu 10 – XL tuyến cao tốc Bắc Nam, nhánh Mai Sơn – Quốc lộ 45. Theo thiết kế, hầm gồm hai ống riêng biệt cách nhau 45m, mỗi ống gồm một hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều, rộng 14,5m quy mô ba làn xe cơ giới. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp rộng 2m, dài 30 m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau. 

Hiện gói thầu đã thi công hơn 50% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2022.

ham-tam-diep-1638927340.jpg
Hầm Tam Điệp dài 245m, tim hai hầm cách nhau 45m 

Hầm Thung Thi

Tính đến nay, hầm Thung Thi được xem là hầm cao tốc xuyên núi dài nhất (680m) của đoạn cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 qua huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Dự án là một hợp phần của gói thầu xây lắp số 12 XL có mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. 

ham-thung-thi-1638927340.jpg

Nhánh hầm Thung Thi bên phải chính thức được khoan thông sau gần 10 tháng thi công

Khởi công tháng 2/2021, sau 9 tháng xây dựng, nhánh hầm bên phải đã thông, đạt 80% khối lượng đào. Nhánh còn lại còn khoảng 80m được dự kiến sẽ khoan thông trong tháng 12 năm nay.

5. Cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn (Nam Định – Ninh Bình)

Tổng vốn đầu tư: 1.162 tỷ đồng
Thời gian: Dự kiến hoàn thành cuối năm 2021

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được đầu tư với tổng số vốn toàn tuyến là 1.162 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,2km, được thiết kế với 4 làn xe. Theo thiết kế, cao tốc sẽ có 7 và 3 hầm chui dân sinh. Dự án có điểm đầu nằm ở huyện Ý Yên (Nam Định), điểm cuối thuộc huyện Yên Mô (Ninh Bình) đi qua nhiều khu dân sinh và khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Sau hai năm thi công, cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn hoàn thành hơn 95% và dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2021. Khi chính thức hoạt động, tuyến cao tốc này sẽ kết nối với hệ thống thu phí trên đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình tạo thành hệ thống thu phí kín Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn.

Dự án vành đai phía Tây (Cần Thơ)

Tổng vốn đầu tư: 3.840 tỷ đồng
Thời gian: 2021 - 2026

Dự án vành đai phía Tây dài 19,4 km, vốn đầu tư 3.840 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, nối với quốc lộ 61C. Dự án có mặt đường rộng 80m, trong đó phần xe chạy rộng 30m, vận tốc 60-80 km/h, đường gom 22m, hè đường 16m, dải phân cách 3m, đất dự trữ 9m.

vanh-dai-phia-tay-can-tho-1638927340.jpg

Những cây cầu tạo điểm nhấn kiến trúc của vùng 

Cầu Rạch Miễu 2 (Bến Tre)

Tổng vốn đầu tư: 5.175 tỷ đồng
Thời gian: 2021 - 2025

Cầu Rạch Miễu 2 được xếp vào dự án nhóm A, đầu tư với tổng ngân sách hơn 5.175 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,5km và dự kiến khởi công vào quý I/2022. Khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ tăng kết nối hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre, giúp giảm tải cho quốc lộ 60, đặc biệt là cầu Rạch Miễu khi dân cư đổ về quê vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết.

cau-rach-mieu-2-ben-tre-1638927339.jpg
Phối cảnh thiết kế cầu Rạch Miễu 2 đã được tỉnh Bến Tre chấp thuận

Cầu Rạch Miễu 2 xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4km về phía thượng lưu. Công trình triển khai điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối giao Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre. Cầu được thiết kế kết cấu dây văng, với quy mô 4 làn xe rộng 21,5m. Thời gian khai thác lên đến 100 năm.

Cầu Vân Tiên (tỉnh Quảng Ninh)

Tổng vốn đầu tư: 800 tỷ đồng
Thời gian: khởi công đầu 2021, hợp long ngày 5/12/2021

Mới đây, cầu Vân Tiên dài hơn 1,5km, nối liền hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) được hợp long sáng 5/12. Đây là cây cầu cuối tuyến trong tổng số 32 cây cầu trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (dài 80,23km, vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng), nằm trong hệ thống tuyến đường cao tốc chiến lược Hà Nội - Quảng Ninh. Tính đến thời điểm hiện tại, cầu Vân Tiên dài 1.515m,  là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. 

cau-van-tien-quang-ninh-1638927340.jpg

Cầu Vân Tiên vừa được được hợp long sáng 5/12.

Công trình được thiết kế kết cấu vĩnh cửu bê tông cốt thép dài có bề rộng mặt cầu 25,25m; tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe ô tô, 2 làn dừng khẩn cấp đảm bảo tốc độ tối đa 120km/h. Bên cạnh đó, đây cũng là 1 trong 3 dự án công trình giao thông động lực, trọng điểm đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung hoàn thành vào cuối năm 2021.

Cầu Thủ Thiêm 2 (TPHCM)

Tổng vốn đầu tư: 3.100 tỷ đồng
Thời gian: dự kiến khai thác sử dụng tháng 4/2022

Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công năm 2015, có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng. Cầu được thiết kế có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Phần cầu dài 885m với điểm nhấn thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.

cau-thu-thiem-2-1638927340.jpg
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến khai thác vào cuối tháng 4/2022

Ngay ngày lễ Quốc khánh năm nay, dự án trọng điểm cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn tất lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, giúp kết nối với cầu dẫn tuyến chính phía quận 1. Hiện nay cầu đang được tiếp tục thi công hạng mục trụ chính dây văng và công tác hoàn thiện lan can, mặt cầu. Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thiện vào dịp 30/4 năm sau.

Cầu Cần Giờ

Tổng vốn đầu tư: 5.300 tỷ đồng
Thời gian: dự kiến khởi công năm 2022

Cầu nối huyện Cần Giờ với trung tâm TPHCM được khởi công vào năm 2022, với mức vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.

cau-can-gio-1638927340.jpg

Cầu Cần Giờ với thiết kế hình cây đước, khởi công trong năm 2022

Nằm trên tuyến đường 7,4km, cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng mang hình ảnh cây đước, dài 3,4km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m. Sau khi hoàn thiện sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, tạo thuận tiện kết nối liên vùng huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Từ đây cũng dần hình thành tuyến giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam thành phố.

Cầu có điểm đầu tại nút giao đường 15B với Đường số 2 (Khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè). Điểm cuối kết nối đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ).

Hệ sinh thái logistic kết nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Với kỳ vọng trở thành “cửa ngõ phía Nam”, Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung kết nối hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng và trong khu vực để hình thành hệ sinh thái chuỗi logistic. Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết hiện nay 5 tuyến đường huyết mạch và một cầu bắc sông đã, đang triển khai sẽ giảm tải lượng giao thông tắc nghẽn, thúc đẩy kết nối, vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

logistic-cang-cai-mep-thi-vai-1638927340.jpg

5 tuyến đường giúp giảm tải lượng giao thông tiến về cảng Cái Mép – Thị Vải

Đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng dài hơn 18km, được thiết kế 6 làn xe. Đây là tuyến đường khai thác hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp dọc sông Cái Mép – Thị Vải, khởi công năm 2009. Đến nay đường được khai thác sử dụng từ điểm đầu ở cảng Cái Mép hạ (thị xã Phú Mỹ) đến điểm cuối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải Đường 991B có chiều dài hơn 3.500m, điểm đầu cầu nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải đến đường vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng. Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5 m, cầu chính rộng 25 m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tĩnh không thông thuyền của cầu cho phép tàu 30.000 tấn chạy qua. Cầu Phước An được dự kiến khởi công vào Quý III/2022. Việc đầu tư xây dựng sớm cầu Phước An là cần thiết để tạo ra trục liên cảng song song với Quốc lộ 51 để kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Dầu Dây-Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác.

Đường Long Sơn – Cái Mép nằm ở điểm cuối tuyến 991B. Dự án được đầu tư với mức 1.189 tỷ đồng, thiết kế 6 làn xe, dài hơn 3,7 km dẫn vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn. Đây là tuyến kết nối khu vực Vũng Tàu – Long Sơn – Cái Mép – Thị Vải – Phú Mỹ và liên kết với các vùng lân cận. Theo đó, đường sẽ rút ngắn quãng đường từ hạ lưu cảng Cái Mép đến Quốc lộ 51 từ 25km xuống chỉ còn khoảng 8km. Dự án được khởi công vào tháng 6/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025

Đường sau cảng Mỹ Xuân – Thị Vải giai đoạn một nhằm kết nối hệ thống cảng với khu công nghiệp đến quốc lộ 51. Dự án có tổng chiều dài 2,6 km, vốn đầu tư 407 tỷ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đề nghị xúc tiến nhanh chóng việc bồi thường mặt bằng trong quý II/2021 để kịp tiến độ thông tuyến vào tháng 6/2023.

Đường Phước Hòa – Cái Mép được khởi công năm 2016, với tổng kinh phí dự án 954 tỷ đồng. Điểm đầu của tuyến đường giao với quốc lộ 51 ở phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ), điểm cuối giao với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải. Quốc lộ 51 là tuyến giao huyết mạch nối TPHCM, Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu. Dài hơn 4,4 km, với 4 làn xe, đường Phước Hòa - Cái Mép đến nay đã hoàn thành và thông xe.

Dự án sân bay Long Thành

Tổng vốn đầu tư: 336.630 tỷ đồng
Thời gian: năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác

san-bay-long-thanh-1638928754.jpg
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chốt tiến độ hoàn thành các hạng mục quan trọng của dự án sân bay Long Thành. Trong đó, yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung triển khai các hạng mục chính đã có thiết kế cơ sở, gồm: 

Hạng mục cọc nhà ga hành khách: hoàn thiện các thủ tục pháp lý và bổ sung hồ sơ, đảm bảo hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục cọc nhà ga trong tháng 1/2022 để phê duyệt và tiến hành đấu thầu, khởi công hạng mục cọc nhà ga vào tháng 3/2022.

Phần thân nhà ga: trình thẩm định hồ sơ trước tháng 5/2022, khởi công phần thân nhà ga vào tháng 10/2022.

Hạng mục hạ tầng cảng hàng không: gồm các công trình tại khu bay như: đường cất hạ cánh, đường lăn,....; hệ thống giao thông nội cảng; các công trình hạ tầng cấp điện, cấp nước, viễn thông, chiếu sáng; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; tòa nhà điều hành,... cần sớm hoàn thành các thủ tục để khởi công vào tháng 6/2022.

Để đảm bảo tiến độ thi công, đối với những hạng mục chưa có thiết kế cơ sở, ACV phải khẩn trương lựa chọn gói thầu tư vấn thiết kế và chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, lập tiến độ chi tiết theo tiến độ tổng thể, hoàn thành trong tháng 12/2022.