Toàn cảnh bất động sản Cần Thơ 2021: những yếu tố tạo nên tiềm năng 

Lan Anh
Bất động sản Cần Thơ gia tăng sức hút nhờ hưởng lợi từ hạ tầng đồng bộ, tốc độ thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở lớn. 

Sức bật của hạ tầng đồng bộ

Với vị trí chiến lược là trung tâm kinh tế, đô thị hạt nhân khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Cần Thơ được Chính phủ dồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đã thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Hàng loạt công trình dự án trọng điểm giao thông được nâng cấp, đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Những tuyến đường quốc lộ mang tính kết nối tỉnh, liên tỉnh, mang tính khu vực như đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ, xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923, cầu Cờ Ðỏ, cầu Tây Ðô, cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922), xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917…

Nổi bật là dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc ngang sông Tiền, kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa mới khởi công với mức vốn hơn 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2023. Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ giúp kết nối lưu thông thuận lợi giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, tạo điều kiện phát triển kinh tế vượt bậc.

suc-bat-ha-tang-can-tho-2021-1633064690.jpg
Hạ tầng đồng bộ giúp thay đổi diện mạo tích cực, tăng sứ c bật cho thị trường bất động sản  Cần Thơ 

Song song các tuyến đường bộ, đường thuỷ được chú trọng đầu tư với dự án Cảng Cái Cui - mục tiêu trở thành cảng biển quốc tế tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, đón tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được nâng cấp đáp ứng nhu cầu vận chuyển cả khu vực.

Các dự án mang tính chiến lược từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giải quyết những vấn đề ùn tắc giao thông, thuận lợi di chuyển, thúc đẩy hoạt động giao thương nhộn nhịp. Sự đồng bộ về hạ tầng tạo lực đẩy hình thành những khu dân cư mới, phát triển đa lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân. 

Đất chật, người đông, tốc độ đô thị hóa nhanh

Sự phát triển về kinh tế - xã hội tại Cần Thơ thu hút lực lượng lao động lớn từ các tỉnh lân cận về sinh sống, học tập và làm việc. Theo kết quả điều tra tổng dân số của TP.Cần Thơ vào thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2019 là 1.235.171 người. Mật độ dân số 858 người/km² cao gấp 3 lần mật độ dân số toàn quốc và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước.

Mật độ dân số cao, nhu cầu nhà ở lớn trong khi tốc độ đô thị hoá tại đây diễn ra khá nhanh. Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, đến năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt gần 7%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 đạt con số ấn tượng đến 5,61%. Cơ cấu chuyển dịch ngành kinh tế sang công nghiệp chiếm 31%, khu vực dịch vụ chiếm 52%, nông nghiệp chỉ 17%.

Người dân có xu hướng di chuyển từ nông thôn lên thành thị, tạo nên những khu dân cư tại trung tâm thành phố, quỹ đất ngày càng hạn chế. Tỷ lệ nhà ở kiên cố trong nội thành là 89,4% và tập trung cao ở quận trọng điểm như Ninh Kiều 100%, Bình Thủy 97,5%, Cái Răng 96,2%. Theo phê duyệt chương trình phát triển nhà ở từ 2017-2020 của Thành phố, tầm nhìn đến năm 2030, số nhà xây dựng mới hàng năm khoảng 7.000 căn. Sở Xây dựng cho biết tính đến tháng 5/2019, nhu cầu sản phẩm bất động sản ước tính lên đến hơn 32.000 căn.

toc-do-do-thi-hoa-can-tho-2021-1633064690.jpg
Quỹ đất trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao

Trong bối cảnh nhiều khu dân cư mới ra đời song lại gặp phải những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chính quyền hướng tới việc xây dựng các khu tái định cư nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang quản lý 42 khu đất công với diện tích khoảng 98ha. Quận Ninh Kiều có nhu cầu 1.718 nền, quận Bình Thủy 904 nền, quận Cái Răng 1.970 nền, quận Ô Môn 746 nền, quận Thốt Nốt 374 nền, huyện Phong Điền 504 nền, huyện Thới Lai 873 nền, huyện Cờ Đỏ 854 nền và huyện Vĩnh Thạnh có nhu cầu 3.500 nền tái định cư.

Bên cạnh đó, Thành phố hướng đến triển khai tái định cư bằng căn hộ chung cư thay vì giao lô đất nền. Kế hoạch trong 5 năm tới, Cần Thơ sẽ xây dựng lại 01 chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang 09 chung cư cũ trên địa bàn.

Làn gió mới của thị trường bất động sản Cần Thơ

Nhờ vào những trọng tâm trong xây dựng và thay đổi kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng, Cần Thơ đang được xem là tiêu điểm của thị trường bất động sản miền Tây Nam Bộ, giá đất tăng nhanh trong nhiều năm qua, quỹ đất đang khan hiếm.

Cùng với hạ tầng, Cần Thơ là điểm dừng chân của các doanh nghiệp với dòng vốn FDI lớn thứ 3 cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 83 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 2,047 tỷ USD, vốn thực hiện gần 500 triệu USD, chiếm tỷ lệ 24,4% tổng vốn đăng ký. Điều này càng tăng sức hút cho những dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân cũng như những chuyên gia sinh sống, làm việc tại đây.

thi-truong-can-tho-2021-1633064690.jpg
Thị trường bất động sản Cần Thơ sôi động được tiếp sức với hàng loạt dự án mới

Cần Thơ lọt vào tầm ngắm của nhiều ông lớn bất động sản như Vingroup, Đất Xanh miền Bắc, Novaland, Kita Group… Các dự án được đầu tư xây dựng đa dạng các loại hình như nhà phố, căn hộ chung cư, khu thương mại.

Điển hình như Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư loạt dự án như Khu đô thị mới (khoảng 948 ha) để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không; dự án trung tâm logistics hàng không Cần Thơ tại quận Bình Thủy (khoảng 50 ha). Tập đoàn Hòa Phát vừa được chấp thuận nghiên cứu đầu tư ba dự án tại Cần Thơ như: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (khoảng 452 ha), Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại quận Cái Răng (hơn 88 ha), Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại quận Ninh Kiều (hơn 6 ha).

Loạt khu đô thị mới được xây dựng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ. Thị trường bất động sản Cần Thơ được đánh giá là có mức giá thấp, thanh khoản tốt. Hầu hết người mua có nhu cầu ở thực, khách hàng chủ yếu tại trung tâm thành phố hoặc các tỉnh lân cận ĐBSCL. Cũng chính vì thế, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh song tại đây vẫn không có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ. Giá đất nền có giảm nhẹ trong mùa dịch, các dự án có hiện đứng chững lại khi thi công song vẫn tiếp tục ra hàng.

Có thể thấy Cần Thơ đang sở hữu nhiều lợi thế từ vị trí, hạ tầng tăng sức hút cho thị trường phát triển năng động. Những “ưu ái” trong đầu tư hạ tầng hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo kinh tế - văn hoá - xã hội vượt bậc cho tỉnh cũng như vùng ĐBSCL.


Lý Võ