Toàn cảnh bất động sản Bắc Giang, một điểm sáng giữa đại dịch

Lan Anh
Sau thời gian sốt đất ảo vì thổi giá, lướt sóng, đất Bắc Giang tiếp tục nhận được tín hiệu tăng giá dù ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Bất động sản Công nghiệp Bắc Giang “tăng nhiệt” 

Trong xu hướng dịch chuyển chung của bất động sản từ trung tâm về vùng ven, Bắc Giang là một trong những điểm đến của giới đầu tư nhờ vào sức hút của quỹ đất lớn, giá cho thuê đất thấp, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, tạo tính kết nối với các vùng kinh tế linh hoạt. 

Từ 2020, Bắc Giang thu hút sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn như JA Solar, Sumimoto, Foxconn, Luxshare,…Đến 2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 3 khu công nghiệp (KCN) mới: KCN Yên Lư với diện tích 377ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn; KCN Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 300ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng; KCN Tân Hưng với diện tích 105,3ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm. Các khu công nghiệp lần lượt được mở rộng diện tích như KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú, KCN Việt Hàn.

bds-bac-giang-1631807747.jpg
Bắc Giang trở thành điểm sáng bất động sản công nghiệp Phía Bắc hút dòng vốn lớn và dự án xây mới

Từ năm 2020 đến nửa năm 2021, thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid 19, các tập đoàn lớn bắt đầu rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Trong khi thị trường Việt Nam vẫn kiểm soát dịch tốt và được xem là điểm đến của chiến dịch "China Plus One" (Trung Quốc + 1). Hai tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút 588,7 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp gần 4,5 lần cùng kỳ 2020. Trong đó, 4 dự án cấp mới trong nước có vốn đăng ký 325 tỷ đồng, tăng 60%; 5 dự án FDI vốn đăng ký 562 triệu USD, gấp 10,3 lần; điều chỉnh 01 dự án trong nước, vốn đăng ký bổ sung 16 tỷ đồng và 5 dự án FDI, vốn tăng thêm 12,1 triệu USD.

Cùng với dòng vốn đầu tư đầu tư mạnh trong nước và quốc tế, cơ sở hạ tầng tại Bắc Giang được đẩy mạnh hoàn thiện. Nổi bật là dự án Trung tâm logistics quốc tế TP. Bắc Giang, do Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang đầu tư, có quy mô hơn 71ha tại xã Song Khê. Dự án này dự kiến khởi công trong tháng 8/2021 với mục tiêu xây dựng trung tâm logistics hiện đại, đa chức năng.

Nhiều đợt “sốt đất ảo”, giá đất tăng nhẹ giữa mùa dịch

Từ 2018 chính quyền Bắc Giang đẩy mạnh việc thanh kiểm tra và quy hoạch toàn tỉnh. Các dự án đấu giá mở bán tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi này. Đến năm 2020, đất Bắc Giang bắt đầu rục rịch tăng giá, các dịch vụ mua bán bắt đầu nhộn nhịp. Nóng nhất là từ đầu năm 2021, khi thị trường bất động sản phục hồi sau đợt dịch lần thứ 3, bất động sản Bắc Giang  “sốt đất” hơn bao giờ hết. 

Tình trạng thổi giá khiến giá đất tăng vọt, môi giới bất động sản nhộn nhịp khắp nẻo đường, nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tự phát mọc tràn lan. Tại một số vùng thôn quê, giá đất từ vài trăm nghìn bỗng chốc tăng giá đến vài triệu đến trăm triệu sau khi qua tay giao dịch từ một môi giới này qua môi giới khác. Giới đầu tư tìm mua những thửa đất lớn để chia nhỏ, tách thửa và tìm cách chuyển đổi. Các môi giới bất động sản bắt đầu chuyền tay nhau, sau đó tạo sự khan hiếm và đẩy giá tăng lên cao. 

Trong thời điểm đó, nhiều dự án được đấu giá thành công với mức chênh lệch hàng chục tỷ đồng. Điển hình như UBND huyện Lục Nam tổ chức đấu giá 36 lô đất tại khu dân cư mới thôn Chàng 1, thị trấn Đồi Ngô với tổng diện tích hơn 3.464 m2, giá khởi điểm hơn 18 tỷ đồng. Kết quả, tất cả các lô đất có khách hàng trúng đấu giá với tổng giá trị hơn 39 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 21 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tính đến hết quý I/2021, đất nền ven các khu công nghiệp như Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động khoảng 25 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.

sot-dat-ao-bac-giang-1631807747.jpg
Cơn sốt đất ảo khiến giá đất Bắc Giang tăng vọt, người mua ở thực gặp khó khăn

Các lô đất bị thao túng khiến giá tăng vọt, nhiều khu đất nông nghiệp bị lấn chiếm, không rõ ràng về pháp lý khiến người mua có nhu cầu ở thực gặp khó. Cho đến cuối tháng 3, chính quyền Bắc Giang bắt đầu siết chặt các chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán lộn xộn này. Đến giữa tháng 5, khi Bắc Giang trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước trong đợt bùng phát dịch thứ 4, số ca nhiễm tăng nhanh liên tục tại các khu công nghiệp đã khiến thị trường bất động sản Bắc Giang rơi vào yên ắng.

Tưởng như thị trường sẽ trầm lắng kéo dài, tuy nhiên, từ đầu tháng 7, khi tình hình dịch được kiểm soát, bất động sản Bắc Giang lại bắt đầu nóng sốt. Mặc dù các thị trường lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội dường như “đông cứng” thì các giao dịch tại Bắc Giang sôi động trở lại, có xu hướng tăng nhẹ ở phân khúc thổ cư, mức tăng trung bình từ 5 - 7%, còn ở phân khúc đất nền dự án thì mức giá vẫn giữ nguyên so với thời điểm sốt đất.

Nhận xét về tình trạng này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính bày tỏ, trong cơn “sốt đất” quý I/2021, bên cạnh những khu vực có địa thế “vàng” thì giá đất tại nhiều khu vực chưa được đầu tư hạ tầng ở Bắc Giang, Bắc Ninh vô tình được tăng cao ngoài khả năng của người có nhu cầu thực. Và theo tất yếu của thị trường, khi giá bán tăng quá cao không có người mua thì sẽ buộc phải giảm.

Thiếu nhà ở xã hội, nội lực cho bất động sản nhà ở

Sự phát triển của trung tâm bất động sản công nghiệp Bắc Giang thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhộn nhịp, đặc biệt đất nền trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Nguồn lao động nhập cư cùng các chuyên gia, người lao động nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại KCN tạo điều kiện cho các loại hình đa dạng như nhà ở xã hội, căn hộ cao cấp, khách sạn hạng sang phát triển. Nhu cầu lớn song thực tế chỉ mới đáp ứng được 7,5 % nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân.

Tháng 6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ra Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

nha-o-xa-hoi-bac-giang-1631807746.jpg
Nhiều chính sách đầu tư, xây dựng và cơ hội phát triển bất động sản nhà ở đa dạng loại hình tại Bắc Giang

Theo đó, đến năm 2025, tỉnh dự kiến giải quyết khoảng 80% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2030 sẽ giải quyết khoảng 90% các nhu cầu. Đơn vị này cũng yêu cầu khi lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị, khu công nghiệp, phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân.

Những chính sách nới rộng của Nhà nước tăng thêm cơ hội đầu tư bất động sản đô thị phụ trợ bất động sản công nghiệp. Nhất là bất động sản công nghiệp cao, tích hợp nhiều tiện ích từ giáo dục, giải trí, sức khoẻ tạo thành khu công nghiệp đô thị dịch vụ phát triển - một trong những xu hướng quy hoạch xây dựng được chú trọng hiện nay.

Dẫu ảnh hưởng của dịch bệnh, Bắc Giang vẫn là tâm điểm của thị trường bất động sản phía Bắc hiện nay. Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, dù dịch bệnh phức tạp nhưng đất gần các khu công nghiệp vẫn có sức hút lớn. Bất động sản công nghiệp đã tạo thế tăng trưởng cho thị trường nhà ở nói riêng và bất động sản Bắc Giang nói chung. 

Lý Võ