Quy hoạch ‘bàn cờ’ độc đáo
Tây Ninh là thành phố cấp tỉnh Đông Nam Việt Nam, cách TPHCM 90km về hướng Tây Bắc. Đây là tỉnh duy nhất ở Việt Nam đi theo lối quy hoạch ô bàn cờ độc đáo, với các khối nhà được xây dựng trên những lô đất được chia cắt vuông vức, có trục hướng tâm và đối xứng. Đặc biệt, ngay tại khu vực chợ Long Hoa lớn nhất của tỉnh Tây Ninh cũng được thiết kế theo kiến trúc Bát quái đồ, 8 con đường xung quanh dẫn đến 8 hướng cửa chợ với ý nghĩa “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”.
‘Ông lớn’ bất động sản đổ bộ
Trong khi quỹ đất TPHCM đang cạn dần, không còn hấp dẫn thì các doanh nghiệp địa ốc cũng bắt đầu dịch chuyển sang các thị trường vùng ven để tìm quỹ đất tiềm năng và lên kế hoạch đầu tư mới. Do đó những thị trường như Tây Ninh lại trở thành điểm sáng do sở hữu quỹ đất rộng, giá bán còn thấp ở mức 1 – 5 triệu đồng/m2 tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án mang lại tỷ suất sinh lời cao.
Đón sóng xu hướng đô thị vệ tinh, các ‘ông lớn’ như Vingroup, Sun Group, FLC, TNG Holding,… cũng liên tục rót vốn vào tỉnh Tây Ninh. Từ một vùng đất hoang sơ, chỉ trong vòng 5 năm đổ lại diện mạo của một tỉnh biên giới đã có sự thay đổi vượt bậc.
Tây Ninh được biết là địa phương sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, khu du lịch sinh thái và di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, tòa thánh Cao Đài Tây Ninh,…. thu hút hơn 3 triệu lượt khách đến trải nghiệm và du lịch tâm linh. Tuy nhiên, tại thời điểm 2015, Tây Ninh vẫn chưa có nhiều cơ sở lưu trú tiện nghi để giữ chân khách du lịch. Chính vì thế Vingroup đã nắm bắt cơ hội để triển khai kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ vào tổ hợp thương mại khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế tại địa bàn tỉnh. Đến năm 2018, Vingroup tiếp tục đưa vào sử dụng tổ hợp công trình khách sạn lưu trú 5 sao với diện tích 2,1ha đầu tiên tại Tây Ninh, giúp tỉnh khắc phục nhược điểm thiếu các cơ sở lưu trú đẳng cấp.
Đến năm 2020, Sun Group cũng bắt đầu vận hành dự án quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng. Đây được đánh giá là dự án dẫn dắt ngành du lịch của tỉnh. Từ động lực dự án quy mô lớn này, đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết doanh thu từ du lịch tăng bình quân hơn 15% hằng năm, số lượng khách đến Tây Ninh cũng tăng rất cao so với giai đoạn trước.
Đẩy mạnh hạ tầng liên kết vùng
Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Tây Ninh đã triển khai 38 dự án đầu tư với tổng vốn 5.116 tỷ đồng, trong đó có 28 dự án do tỉnh thực hiện với tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương lên đến 3.517 tỷ đồng. Việc tập trung đẩy mạnh hạ tầng nhằm giúp giao thông liên vùng được thống suốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân di chuyển và vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Đến nay, hàng loạt dự án đã đưa vào sử dụng có thể kể đến như đường, cầu Bến Đình; các đường ĐT 788, ĐT 794 (giai đoạn 1), ĐT 781 (từ ngã tư Tân Hưng đến ranh giới tỉnh Bình Dương), ĐT 790 nối dài; đường 30/4, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương (TP. Tây Ninh). Đặc biệt, hiện đã có 6 cây cầu kết nối đôi bờ trên sông Vàm Cỏ Đông và cầu An Hòa - Trảng Bàng dự kiến khánh thành trong thời gian tới.
Trong năm 2021, tỉnh Tây Ninh đã khởi công 3 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, gồm đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, dự án đường ĐT 794 (giai đoạn 2) và dự án nâng cấp, mở rộng ĐT 795. Các dự án này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề tắc nghẽn, kết nối giao thông với khu vực Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển đến các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM.
Đáng chú ý nhất là thông tin Campuchia và Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối giữa hai nước. Trong đó ở phía Campuchia sẽ nối từ Phnom Penh tới thị trấn Bavet, tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới với Việt Nam. Còn ở Việt Nam, theo thỏa thuận cũng sẽ sớm khởi công dự án cao tốc từ TPHCM – Mộc Bài để tăng cường hợp tác giao thương với Campuchia.
Cụ thể, dự án TPHCM – Mộc Bài được đầu tư 15.900 tỷ đồng trong giai đoạn 1 (2021 – 2025) bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, đoạn cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa bàn TP.HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km và 26,3km qua địa phận tỉnh Tây Ninh. Cao tốc TPHCM – Mộc Bài được mong đợi khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 22, rút ngắn hành trình xuất nhập hàng hóa và giảm bớt chi phí logistic cho các doanh nghiệp.
Điểm hút vốn đầu tư
Một trong những chiến lược quy hoạch tỉnh Tây Ninh là phát triển vùng trở thành đô thị vệ tinh của TPHCM, đồng thời là cầu nối thúc đẩy giao thương với các nước trong khu vực. Theo các số liệu thống kê gần đây cho thấy Tây Ninh có tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,75% và là tỉnh có mức thu nhập trung bình là 4,25 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân cả nước.
Nhờ vậy, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đã chọn Tây Ninh trở thành nơi để xây dựng nhà máy, mở rộng thị trường. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Tây Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao. Vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015.
Nhiều dự án đầu tư tại Tây Ninh còn có quy mô khu vực như cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng với tổng vốn 9.100 tỷ đồng, nhà máy Chế biến rau củ quả Tanifood có mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, trang trại Bò sữa Vinamilk đầu tư 1.200 tỷ đồng với tổng 9.000 con bò... Những dự án này được đánh giá sẽ góp phần giúp ngành nông – công nghiệp của địa phương phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh sự phát triển của bất động sản công nghiệp, việc hình thành các khu dân cư liền kề hoặc ngay trong khu công nghiệp trở thành xu hướng tất yếu. Hiện nay hệ thống khu công nghiệp Tây Ninh gồm có 1 khu chế xuất (Linh Trung - 202ha), 2 khu kinh tế (Mộc Bài, Xa Mát – hơn 34.000ha) và 6 khu công nghiệp (khoảng 3.969ha). Xung quanh đó cũng xây dựng nhiều dự án khu dân cư và đều được quan tâm cao, điển hình như khu dân cư Rạng Đông (thành phố Tây Ninh), khu phố thương mại Mai Anh (Trảng Bàng), khu dân cư Phước Đông (Gò Dầu), khu dân cư Suối Cầu Đúc (Gò Dầu),…
Tính đến nay, lượng công nhân ở các khu công nghiệp đã lên đến hơn 133.000 người. Dự tính đến năm 2022, Tây Ninh sẽ mở thêm khu công nghiệp Hiệp Thạnh với quy mô 573ha, khi đó sẽ thu hút thêm người dân đến sinh sống và làm việc tại tỉnh.
Theo chị Ngọc Hân (41 tuổi, TPHCM) - nhà đầu tư chuyên săn hàng ở các tỉnh vùng ven cho biết từ giữa năm 2020, các nhà đầu tư bắt đầu đi săn đất ở Tây Ninh rất nhiều. Nhiều tuyến đường ở đây cũng được mở rộng, ngay cả con đường nằm trong xóm nhỏ cũng được nâng cấp lên đường nhựa.
“Khi dòng tiền ở các thị trường như Bình Dương, Long An, Đồng Nai đã quá sôi động, nhà đầu tư thường có tâm lý chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường tiếp giáp, giá rẻ và có nhu cầu ở thực lớn. Theo góc nhìn của mình thì đất Tây Ninh ở thời điểm bây giờ vẫn chưa là đỉnh sóng, chỉ trên đà tăng giá nhẹ. Tuy nhiên khi tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, TPHCM – Mộc Bài công bố thông tin khởi công, giá đất Tây Ninh sẽ tăng trưởng nhanh chóng”, chị Hân đánh giá.