Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã dự trù 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước cho 6 tháng cuối năm. 

Trong trường hợp dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không buộc giãn cách xã hội, kinh tế dự báo tăng trưởng 6,2% trong quý III và 6,5% trong quý IV. Mức tăng trưởng GDP cả nước có thể đạt 6% trong kịch bản này.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 2 quý còn lại trong năm phải đạt lần lượt là 7% và 7,5%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này đòi hỏi Việt Nam phải cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 6. Tuy nhiên, đại diện bộ cho biết đây là nhiệm vụ "hết sức khó khăn" trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại.

ban-le-dong-cua-ho-tung-mau-1623408869.jpg

Mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% khá thách thức trong bối cảnh dịch bệnh còn tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP cả nước trong nửa đầu năm nay tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.  Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Nhóm thụ hưởng của gói hỗ trợ này bao gồm:

- Lao động trong doanh nghiệp phải ngừng việc;

- Doanh nghiệp có nhu cầu vay trả lương lao động ngừng việc hoặc vay để phục hồi sản xuất;

- Các F0, F1 và trẻ em gặp khó khăn do dịch;

- Giáo viên mầm non, tư thục;

- Nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước;

- Hướng dẫn viên du lịch