Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank có tạo hiệu ứng ‘domino’?

Lan Anh
Sự kiện Silicon Valley Bank sụp đổ trong 48 giờ đồng hồ khiến nhiều người bất ngờ và lo sợ về ‘thảm kịch’ suy thoái kinh tế tương tự như năm 2008.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) diễn ra như thế nào?

Ra đời năm 1983, Silicon Valley Bank là ngân hàng cung cấp vốn vay cho khoảng một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc y tế có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Dù ít được biết đến, Silicon Valley Bank vẫn lọt top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ. Theo FDIC - một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ chuyên nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng và giám sát các định chế tài chính cho biết, vào thời điểm cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản 209 tỷ USD.

Khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Năm 2021, các công ty startup này được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm và huy động được 330 tỷ USD, gần gấp đôi mức kỷ lục trước đó một năm. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại SVB để điều hành công ty và trả lương nhân viên. Với niềm tin rằng lãi suất sẽ ổn định, SVB quyết định chuyển số tiền mặt đó đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Với cách làm này, SVB đã "đi thẳng" vào một cái bẫy.

silicon-valley-bank-dong-cua-1679018256.jpg
SVB trở thành ví dụ điển hình nhất vì không ngừa được rủi ro khi ôm vào hàng chục tỷ USD tiền gửi từ các dự án công nghệ non trẻ không ổn định, và không đánh giá được mức độ rủi ro lạm phát, dẫn tới khả năng biến động của lãi suất. 

Sự suy yếu của SVB được cho là đến từ các động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong 1 năm qua, để chống lại lạm phát cao nhất 4 thập kỷ ở Mỹ, Fed đã liên tục nâng lãi suất mạnh tay. Về lý thuyết, lãi suất tăng khiến cho việc người dân và doanh nghiệp vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, qua đó “hạ nhiệt” nền kinh tế và kéo lạm phát xuống.

Trong thời gian lãi suất ở Mỹ còn ở gần ngưỡng thấp kỷ lục, các ngân hàng đã mua nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài, loại tài sản được cho là có độ rủi ro gần như bằng 0. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, giá của những trái phiếu đó giảm xuống, khiến cho các ngân hàng nắm giữ trái phiếu này ôm những khoản lỗ lớn chưa thực hiện (unrealized loss).

Trong một cuộc họp cuối tuần trước, bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody's đã có một tin xấu cho SVB: khi xuất hiện các khoản lỗ chưa ghi nhận đồng nghĩa là họ có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, mức độ hạ có thể cao hơn một bậc.

Điều đó đặt SVB vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để củng cố bảng cân đối kế toán, ngân hàng này phải giảm phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu bị thua lỗ để tăng tính thanh khoản. Khi thực hiện giao dịch này sẽ xảy ra rủi ro là khiến những người gửi tiền hoang mang và lo sợ. Nhưng nếu ngân hàng SVB chỉ "ngồi im" thì nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm và vẫn gây ra những ảnh hưởng tương tự.

SVB cùng với cố vấn là Goldman Sachs Group, cuối cùng quyết định bán danh mục đầu tư và công bố một thỏa thuận gọi vốn. Và 48 giờ sụp đổ của SVB bắt đầu từ đây.

Ngày 8/3, SVB Financial Group – công ty mẹ của SVB – thông báo đã bán 21 tỷ USD chứng khoán, lỗ 1,8 tỷ USD. Họ cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Quyết định này đã khiến SVB bị Moody's hạ bậc xếp hạng ngay sau đó.

Mặt khác, lãi suất cao đặt ra trở ngại lớn đối với các công ty công nghệ, khiến giá cổ phiếu công nghệ tụt dốc và các doanh nghiệp này khó huy động vốn. Đối mặt với lãi suất tăng, hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngừng trệ, và dòng vốn ngày càng cạn, khách hàng của SVB - chủ yếu là các startup công nghệ - bắt đầu rút tiền khỏi ngân hàng này.

Diễn biến tiếp theo, vụ sụp đổ của SVB diễn ra hết sức chóng vánh. Trong vài giờ, khách hàng ồ ạt rút tiền gửi khiến ngân hàng SVB hoàn toàn mất thanh khoản.

Các nỗ lực huy động vốn của SVB bị thất bại khi cổ phiếu của nhà băng này giảm hơn 60% trong phiên ngày 9/3. Ngân hàng này phải chuyển hướng sang bán tài sản. Tuy nhiên, việc tiền gửi bị rút ra ồ ạt đã khiến quá trình bán thêm phức tạp. Họ sau đó phải từ bỏ nỗ lực tìm người mua.

Hôm 10/3, Silicon Valley Bank đóng cửa. Giới chức ngân hàng California chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) quản lý tài sản của SVB.

Trước sự kiện này, tỷ phú Bill Ackman - nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng đã so sánh SVB với Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên đổ vỡ trong những ngày đầu của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. “Rủi ro từ việc đổ vỡ và mất mát tiền gửi ở đây là sẽ có những ngân hàng có vấn đề về vốn khác bị rút tiền mạnh và sập theo. Những quân bài domino sẽ tiếp tục đổ xuống”, ông Ackman viết trên Twitter.

Việc sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) khiến giới đầu tư lo ngại liệu một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính Mỹ giống như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008.

Nhìn lại nguồn cơn sụp đổ của Lehman Brother

Năm 2008, Lehman Brothers tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới hơn 600 tỷ USD. Sự kiện này mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử gần 10 năm của nước Mỹ, sau khi nền kinh tế chứng kiến cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, tín dụng đóng băng, hàng triệu người mất việc làm, còn giới đầu tư toàn cầu thì lo sợ bộ máy tài chính khổng lồ có thể đứt gãy bất cứ lúc nào. Cũng bởi khi đó, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư có quy mô lớn thứ 4 tại Mỹ, đồng thời sở hữu 25.000 nhân viên trên khắp thế giới.

Tuy nhiên,một số chuyên gia cho rằng việc Lehman Brothers đệ đơn phá sản không phải là sự kiện châm ngòi cho cuộc Đại suy thoái cách đây 14 năm. Đây đơn giản chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy nền kinh tế Mỹ trước đó vốn đã khó khăn và mấp mé bên bờ vực.

“Khe nứt đã xuất hiện từ trước tháng 9/2008. Thế giới vốn đã chìm trong nợ nần", Rick Meyers, Giám đốc điều hành cấp cao của AB Bernstein ở Chicago nhận xét.

lehman-brothers-dong-cua-1679018541.jpg
Lehman Brothers phá sản không phải nguyên nhân châm ngòi cho cuộc Đại suy thoái cách đây 14 năm. Đây đơn giản chỉ là một trong những hệ quả của nền kinh tế Mỹ trước đó vốn đã khó khăn và mấp mé bên bờ vực.

Ông cho rằng một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 2008 đến từ sự bùng nổ của thị trường nhà đất Mỹ. Hồi năm 2001, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED áp dụng chính sách cho vay lãi suất thấp để cho người Mỹ nghèo có cơ hội mua nhà. Phương thức cho vay dưới chuẩn theo đó ra đời, tức các ngân hàng khi cho vay mua bất động sản sẽ không quan tâm tới khả năng thanh toán nợ của khách. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả những người có lịch sử nợ xấu hoặc thiếu tài sản thế chấp cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà. 

Tuy nhiên, sau khi bong bóng nhà đất Mỹ phình to cực đại, lãi suất bắt đầu tăng và quyền sở hữu bất động sản đạt đến điểm bão hòa. Không còn khả năng thanh toán, lại phải chịu thêm áp lực lãi suất, những người đi vay vội trốn nghĩa vụ trả nợ do các ràng buộc lỏng lẻo từ phía ngân hàng. 

Đến năm 2007, số trường hợp bị tịch thu tài sản để siết nợ tăng cao khiến các ngân hàng không kịp trở tay. Cũng vì vậy mà Lehman Brothers từ chủ nợ biến thành con nợ.

Theo Bloomberg, hầu hết tài sản mà ngân hàng sở hữu đều là nợ của người khác, bao gồm các khoản thế chấp hoặc tín dụng thương mại. Đổi lại, các ngân hàng cũng phải đi vay thông qua trái phiếu và một số các đối tác giao dịch. Do vậy, khi Lehman Brothers sụp đổ, sẽ rất khó để huy động đủ một lượng lớn tiền mặt từ tài sản để trả nợ. Vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers chính là “mồi lửa” biến tình trạng ảm đạm này thành cơn hoảng loạn toàn cầu.

Hiệu ứng ‘domino’ có lây sang Việt Nam?

Những ngân hàng tương tự như SVB rơi vào một tình thế nhiều rủi ro sau vụ đổ vỡ của SVB. Rõ ràng nhất là sự sụp đổ kép của ngân hàng Signature Bank và Silvergate Capital Corp đã diễn ra vài ngày sau đó. Tất cả các ngân hàng này là một trong số các tổ chức tài chính thân thiện với tiền điện tử nhất của Mỹ, ít nhất tại một thời điểm.

Tuy vậy khi nhìn nhận về tác động của sự kiện này, giới phân tích đưa ra quan điểm không quá bi quan khi cho rằng với quy mô nhỏ như Silicon Valley Bank (SVB) không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường tài chính.

“Toàn hệ thống ngân hàng Mỹ đang trong trạng thái tốt và có thể chống chọi được với những cú sốc lớn. Tôi cho rằng SVB là trường hợp đặc biệt vì đối tượng khách hàng khác biệt”, giáo sư tài chính Jens Hagendorff thuộc trường King’s College London nhận xét.

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xét về cả thanh khoản lẫn quy mô, sự kiên SVB đều chưa đủ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.

Thứ nhất là về thanh khoản, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của SVB chỉ có 43%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng lớn ở Mỹ là trên 70%. Tổng tài sản SVB là 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi.

Theo thống kê thì họ có thể thu xếp được 95 tỷ USD để backup thanh khoản cho thứ 2 người dân đi rút tiền, 95 tỷ USD đó đến từ 50 tỷ USD là từ government bond + 25 tỷ USD (hàng hóa, CDS,…), + 15 tỷ USD cash của họ + gần 5 tỷ USD từ các hoạt động tái chính khác đáo hạn từng quý. Tóm lại có khoảng 58% nguồn tiền để đảm bảo thanh khoản ngắn hạn, nhưng điều này có thể gây ra hành động bán tháo tài sản và gây ra khoản lỗ lớn cho chính SVB.

Xét về quy mô, SVB chỉ có khoảng 212 tỷ USD, còn Lehman Brother thời 2008 là 639 tỷ USD. Do đó, chuyên gia cho rằng SVB vẫn chưa đủ sức để gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008. Các khoản MBS (tương tự như trái phiếu) ước tính khoảng đâu đó hơn 70 tỷ USD, tính ra chỉ bằng gần 1 tháng Fed đi mua MBS trong gói QE. Điều này cho thấy Fed có thừa khả năng để ra tay hỗ trợ ngân hàng này.

Thêm vào đó, giá cổ phiếu SVB giảm hơn 60% trong phiên 10/03, nhưng JPMorgan thì lại tăng 2,54%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng lớn khác có thể đang hưởng lợi từ vụ SVB.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock.vn - cho biết, rất khó để đánh giá rủi ro lây lan. Tuy nhiên Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính do không có quan hệ kinh doanh gì với SVB. Thị trường chứng khoán cũng tương tự. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp vẫn có nhưng sẽ chỉ tác động tâm lý trong một vài phiên giao dịch. Nếu tình hình tại Mỹ sớm ổn định thì ảnh hưởng sẽ không kéo dài.

Trung Kiên