Vì sao cần phải thận trọng khi mua đất bằng giấy viết tay?

Mua đất bằng giấy viết tay tưởng như thuận tiện khi rút ngắn quy trình, mua với giá rẻ song tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến người mua rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Mua nhà bằng giấy viết tay là gì?

Mua nhà, đất bằng giấy viết tay là hợp đồng chuyển nhượng đất được viết bởi bên người mua hoặc người bán dưới hình thức văn bản viết tay, không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

mua-dat-giay-viet-tay-1630035519.jpg
Giấy thỏa thuận chuyển nhượng đất viết tay

Nhiều người lựa chọn hình thức viết tay với mục đích rút ngắn các thủ tục chứng thực từ các cơ quan thẩm quyền. Ngoài ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như sự tin tưởng vào mối quan hệ với bên giao dịch còn lại, tâm lý chủ quan. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ khiến người mua có thể không sở hữu mảnh đất, ngôi nhà của mình mà còn bị mất đi khoản tiền lớn đã bỏ ra.

Tại sao nhiều người lựa chọn mua đất bằng giấy viết tay

Mua đất bằng giấy viết tay với tâm lý giá bán rẻ hơn

Giá bán của nhà đất giấy tờ tay thường được rao bán với giá thấp hơn, không mất các loại thuế phí đã thu hút người mua.

Những mảnh đất rẻ hơn với giá khi có sổ đỏ đến một nửa, khiến nhiều người bất chấp rủi ro để sở hữu. Tuy nhiên, bạn không biết được nguồn gốc của mảnh đất, đất có thể vướng vào quy hoạch, mục đích sử dụng khác nhau, pháp lý không rõ ràng. Một số người bàng hoàng lâm vào cảnh khi kết thúc giao dịch mới phát hiện ra mảnh đất của mình không được phục vụ vào mục đích để ở.

Tin tưởng vào mối quan hệ, tính cả nể, chủ quan

Nhiều trường hợp mua nhà đất do từ họ hàng, bạn bè hoặc người quen với tâm lý tin tưởng vào mối quan hệ thân thiết. Bên cạnh đó những lời nói thân tình từ người quen khiến không ít người cả nể, chủ quan vào tính pháp lý của các giấy tờ nhà đất. Các giấy tờ không được đảm bảo, quy trình mua bán có thể bị trì hoãn bởi những lời hứa hẹn. 

Trong khi đó, bên bán có thể thay đổi ý khi giá nhà đất tăng cao hoặc tìm được người trả giá cao hơn. Dù đã thanh toán hết số tiền mua đất nhưng không được quyền sử dụng đất nếu bên bán không giao đất. Lúc này, dù có xảy ra tranh cãi thì cơ quan chức năng cũng không thể giải quyết vì không có bằng chứng nào để chứng minh, người mua dễ rơi vào tình trạng mất cả tiền lẫn đất.

Trong trường hợp, chủ nhà đất thực hiện giao dịch với nhiều người, nhiều lần khác nhau thì người mua cũng không kiểm soát được tình hình. Lúc đến nhận đất mới “đứng hình” vì đất đã được bàn giao bởi một bên thứ 3. Thậm chí, nhiều trường hợp người mua còn bị liên đới về pháp lý do thửa đất họ bỏ tiền mua đang vướng tranh chấp hoặc bị kê biên để đảm bảo thi hành án. 

Không được pháp luật công nhận, khó để hợp thức hoá

Hợp đồng mua nhà bằng giấy tay không được pháp luật công nhận.Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai thì việc chuyển nhượng nhà đất bắt buộc phải lập thành văn bản, phải được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, bên mua có trách nhiệm liên hệ với cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản để thực hiện thủ tục trước bạ sang tên. 

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua giấy viết tay không được coi là căn cứ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, bên mua không thể tiến hành các thủ tục như sang nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rõ: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này. Điều đó có nghĩa hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực, nếu chỉ bằng giấy viết tay sẽ không có giá trị pháp lý và quyền lợi của các bên, đặc biệt là người mua sẽ không được pháp luật bảo vệ.

giay-viet-tay-1630035519.jpg
Hợp đồng mua nhà bằng giấy tay không được pháp luật công nhận.

Trong một số trường hợp, mua đất bằng giấy viết tay không có công chứng, chứng thực vẫn được đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này được quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai như sau:

1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:

a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 1/1/2008;

b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này".

Có thể thấy, mua đất, mua nhà bằng giấy viết tay ẩn chứa nhiều rủi ro khiến bên mua rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Chưa kể những mảnh đất rơi vào kiện tụng, vướng pháp lý mà người mua không nắm rõ thông tin thì sẽ dễ rơi vào “bẫy”, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì thế, người mua nên nắm rõ và tuân thủ những thủ tục, quy trình khi “xuống tiền” mua đất. Khi xảy ra các vấn đề ngoài ý muốn, 2 bên sẽ được phân giải theo cơ quan chức năng và các điều luật rõ ràng. 

Trần Tiến