Mê say cảnh đẹp
Chị Hằng đã có hơn 15 năm gắn bó với Sài Gòn, hiện tại sống cùng gia đình tại quận 9. Công việc chính của chị là lên bản vẽ xây dựng, thi công loại hình nhà phố, thiết kế tiểu cảnh, sân vườn biệt thự cho những dự án trong thành phố.
Bắt đầu từ năm 2019, chị được người bạn ngỏ lời lên Di Linh thiết kế farmstay (hình thức trang trại nghỉ dưỡng), đó cũng là lần đầu tiên chị rời xa thành phố đi công tác và đặt chân lên vùng đất mới mẻ này.
“Mình chưa từng biết đến Di Linh, trước đây lên Đà Lạt thì nhiều nhưng chủ yếu ghé Bảo Lộc. Ngay cả người bạn giới thiệu lên làm nông trại cũng là người Sài Gòn, hai người thực sự là những cư dân mới của vùng đất này”, chị Hằng chia sẻ.
Khi đặt chân đến đây, chị như một người thám hiểu bắt đầu tìm tòi và khám phá mọi thứ. Bởi chị không có bất kì mối liên hệ, kết nối nào với những người dân ở đây, đặc biệt điểm cung cấp nguyên vật liệu, các tuyến đường di chuyển đều hoàn toàn xa lạ. Xung quanh chủ yếu là đồi núi, những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, rất ít những nhà dân. Ấn tượng với chị khi ấy là không khí quá đỗi mát mẻ, không gian bao phủ bởi đồng ruộng, núi, hồ, khác xa với cuộc sống xô bồ thành phố.
Ở thời điểm đó, chị Hằng nhận thấy đất đai ở khu vực này rất rẻ chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2, có thể xây dựng một farm để nghỉ dưỡng - đó cũng là ước mơ mà chị đã ấp ủ từ lâu.
"Ở đây có bao nhiêu cảnh đẹp, khơi nguồn những ý tưởng để chị thực hiện. Khu vực lại nằm ngay quốc lộ 20, quốc lộ 28 dễ dàng kết nối với thị trấn, thành phố hay di chuyển đến các tỉnh như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt đều rất thuận lợi", chị Hằng chia sẻ.
Dám nghĩ, dám làm
Vì quá mê say cảnh đẹp, trong thời gian thiết kế farm cho người bạn, chị lân la tìm vùng đất mới cho mình. Vì không biết nhiều đến khu vực, mức giá chênh lệch nên hành trình tìm kiếm của chị gặp không ít khó khăn. Mãi đến cuối 2019, chị may mắn tìm được lô đất thông qua một môi giới địa phương tại khu vực xã Tân Châu. Dù đường xá lúc đấy chưa được xây dựng nhiều nhưng chị nhìn thấy những tiềm năng của khu đất khi nằm gần với thị trấn sẽ có cơ hội sẽ được quy hoạch lên thị xã loại 3. Đặc biệt, điểm cộng lớn nhất của mảnh đất là sở hữu một hồ nhỏ trong lành, thanh mát, đây là yếu tố khiến chị quyết định “chốt đơn”.
Tuy nhiên, mảnh đất ấy thuộc loại đất trồng cây lâu năm, diện tích hơn 6 sào (mỗi sào tương đương 1000m2) trong khi tài chính chị có khoảng 300 triệu đồng. Với quyết tâm và sự háo hức phải thực hiện bằng được, chị rủ thêm những người bạn hùn vốn mua đất, phân ra 10 lô, mỗi lô tầm 500m2. Vì có mức tài chính nhỏ hơn nên chị chấp nhận nhường những lô đất “đẹp” dành cho bạn, lô đất sau cùng có giá rẻ hơn sẽ thuộc phần chị.
Lô đất của chị có diện tích 2000m2, chi phí bỏ ra 600 triệu đồng, được hỗ trợ vốn vay từ mẹ và người bạn thân. Đầu tháng 3/2020 chị quyết định xây một căn nhà bằng gỗ, thiết kế đơn giản, đầy đủ các nội thất cơ bản. Căn nhà có diện tích 4x6m được lấy ý tưởng từ phần khung thép tiền chế, bao lát xung quanh là các loại gỗ thông và tre.
Những vật liệu này được chị chở từ Sài Gòn trong những chuyến về thăm gia đình hay tìm kiếm trong những khu vực nhà dân. Vật liệu được gia công, sơn sửa song vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên bản vốn có, thể hiện phong cách gần gũi, mộc mạc với thiên nhiên và tiết kiệm chi phí.
Trong thời gian chờ ngôi nhà hoàn thiện, chị dựng một chiếc lều nhỏ, được cố định bởi những thanh tre và sống tại đây suốt 3 tháng. Các vật dụng ngổn ngang, mọi người cùng nghỉ ngơi với chiếc giường dài khoảng 5m.
“Ở trong túp lều về đêm rất lạnh, nhiệt độ chỉ vào khoảng 16, 17 độ, dù đi vớ, đội mũ, trùm đầu nhưng vẫn co ro. Nhất là mùa mưa tới gió thổi mạnh, nước đọng lại trên dù, có khi phải canh chừng suốt đêm để gạt nước. Thời gian đầu phải hứng nước mưa để uống, đêm nào chị cũng phải đốt lửa để xua tan cái lạnh, đất đỏ mùa mưa khiến việc đi lại cũng vô cùng khó khăn”, chị Hằng tâm sự.
Thế rồi ngôi nhà được hoàn thiện vào tháng 6/2020, cũng là đợt dịch đợt 1 bắt đầu kéo đến, chồng và con chị nhanh chóng di chuyển từ thành phố lên đây sinh sống. Căn nhà được xây dựng với chi phí khoảng 250 triệu, nội thất tầm 100 triệu.
Nhớ lại thời điểm trước đó, chồng chị từng một mực cấm cản với suy nghĩ chị là phụ nữ, đi xa một mình rồi ai sẽ chăm lo gia đình. Mức tài chính của gia đình cũng không đảm bảo để mua đất khi dịch Covid xuất hiện khiến công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Ngay cả chị cũng từng nghĩ cứ xây farm rồi thỉnh thoảng ghé thăm nhưng rồi vì quá yêu, muốn gắn bó lâu dài đã quyết định ở lại nơi đây. Chính chị cũng bất ngờ với quyết định của mình, bởi bản thân còn mang áp lực tài chính, công việc và trọng trách cho gia đình.
Nhiều hy vọng mới
Khi sống tại đây, chị được nhiều người bạn giới thiệu công việc thiết kế farm, nhờ thế đem đến một khoản thu nhập, đảm bảo tài chính cá nhân. Chị vẫn tranh thủ về thăm gia đình thường xuyên vào mỗi độ cuối tuần hay bất kỳ lúc rảnh rỗi. Chị trồng nhiều loại cây như sầu riêng, bơ, chuối… và gửi về thành phố làm quà cho bạn bè. Cảnh quan nông trại cũng ngày càng thay đổi khi ngập sắc màu của các loại hoa được chính tay chị chăm sóc mỗi ngày.
Khoảng thời gian sau dịch, nhiều người bạn biết và ghé thăm farm, đặc biệt là dân du lịch. Khi xây dựng ngôi nhà, chị thiết kế một tầng hầm đựng rượu và cũng là không gian con trẻ vui chơi. Nơi đây trở thành điểm đến được khách du lịch vô cùng yêu thích.
Chị nghĩ bỏ phố về quê là một hành trình mới được bắt đầu bằng tất cả tình yêu và đam mê. Ví như khi chị thiết kế và cải tạo một chiếc hồ nhỏ trước nhà bằng cảm hứng từ một ổ khoá.
“Ổ khoá tượng trưng cho cánh cửa mới. Chị dường như bước sang trang mới hoàn toàn khác biệt, chuyến công tác thực sự là bước ngoặt của cuộc đời chị”, chị Hằng nhấn mạnh.
Hiện tại, khách đến tham quan farm rất đông nhưng diện tích chỉ cho phép tiếp nhận được 30 khách nên chị không nhận nhiều, ai muốn ghé tham quan chứ lưu trú thì hạn chế.
Chị ưu tiên sự yên tĩnh, thiên về nghỉ dưỡng, mong muốn giữ được sự bình yên của thiên nhiên. Phần nhiều những người tham quan là người quen, bạn bè. Trong kế hoạch chị sẽ mở rộng farm lớn hơn, đầu tư một căn nhà, hiện tại đã làm sẵn đất để lớp mở tiếng Anh, lớp mỹ thuật dạy cho trẻ em ở đây. Chị dành nhiều tình cảm cho các em chưa được trau dồi nhiều những kiến thức về tin học, năng khiếu.
Trong vòng 5 năm tới chị sẽ cùng bạn bè phát triển khu đất mới hướng đến khu du lịch trải nghiệm. Đặc biệt mở 2 lớp học dành cho trẻ em vùng miền, liên kết với các trường đại học ở khu vực này để truyền động lực cho các em nơi đây. Hơn 2 năm ở đây chị có thêm nhiều người bạn mới, xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình.