Vì sao Việt Kiều gửi tiền về mua bất động sản trong nước?

Lan Anh
Nhiều Việt kiều sinh sống tại các quốc gia Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu nhưng vẫn chọn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Thống kê gần đây công bố lượng kiếu hối về Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt kỷ lục 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Trong đó lượng kiếu hối về Việt Nam sẽ đi qua hai kênh chính, gồm ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.

Trích dẫn số liệu trong 5 năm gần đây, ông Nguyễn Minh Tâm – phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, bình quân mỗi năm Sacombank tăng trưởng hơn 30%. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, doanh số kiều hối của ngân hàng này có thời điểm tăng hơn 50% so với năm trước. Đặc biệt trong năm 2021, kiều hối về Việt Nam qua ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng cao khoảng trên 20%. Nguồn kiều hối chủ yếu là từ Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu.

Theo thống kê hàng năm cho thấy có ít nhất 25% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản. Các chuyên gia cũng dự kiến con số này sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến xu hướng Việt kiều tăng cường đầu tư bất động sản tại quê nhà?

Đầu tư bất động sản “ngoại”: khó, đủ loại chi phí

Dù biết thu nhập của người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài (Việt kiều) đã tăng gấp nhiều lần so với khi ở trong nước. Nhưng để sở hữu nhà đất tại quốc gia cư trú vẫn luôn là không dễ dàng. Ngoài việc giá cao, thủ tục pháp lý chặt chẽ nhưng phức tạp thì người sở hữu bất động sản còn phải đóng nhiều loại thuế phí. 

mua-nha-canada-min-1639530442.jpg
Mua nhà nước ngoài phải dự trù thêm các khoản thuế phí đóng hàng năm

Chia sẻ kinh nghiệm mua nhà ở Canada, anh Kiên (41 tuổi, người Canada gốc Việt) cho biết để sở hữu căn nhà ở Canada, người mua phải trả nhiều khoản thuế phí như thuế chuyển nhượng, phí tư vấn pháp lý, khảo sát, định giá, bảo hiểm quyền sở hữu,... Bên cạnh đó, hàng tháng người mua phải đóng thêm thuế đất khoảng 0,5 – 2,5% tính theo giá trị ngôi nhà trên thị trường và khoản phí bảo hiểm nhà. Ngoài ra nhà đầu tư còn phải chứng minh được tiền dùng mua nhà có nguồn gốc hợp pháp không, nhà mua để ở hay đầu cơ.

“Giá nhà bên đây mắc lắm, trung bình giá tầm 400.000CAD. Tại thời điểm giao dịch, mình phải đóng các khoản thuế chuyển nhượng và các phí linh tinh khoảng 8.500CAD. Sau này, ngoài các chi phí sinh hoạt cơ bản, chủ nhà phải tốn khoảng 270CAD tiền thuế, bảo hiểm để “nuôi” nhà hàng tháng”, anh Kiên chia sẻ thêm.

Ngoài ra ở một số nước đang phát triển như Mexico hoặc Thái Lan, hệ thống luật pháp đất đai chưa được đồng bộ nên tiến trình sở hữu đất đai trở nên phức tạp hơn đối với người ngoại quốc. Chưa kể một vài nước thiết lập chính sách đất đai chặt chẽ, không cho phép người ngoại quốc mua đất tại các quốc gia này.

‘Nước đổ về nguồn’

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, kinh doanh,… bỗng trở nên bấp bênh và mang lại nhiều rủi ro. Thêm vào đó Việt Nam cũng đã có các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài hoặc Việt kiều đầu tư vào thị trường bất động sản trong nước. Lượng kiều hối từ đó cũng xoay chuyển, tập trung đổ dòng vốn sang thị trường bất động sản. 

kieu-hoi-1639530442.jpg
Lượng kiều hối tập trung chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam

Khi phân tích về xu hướng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đã chỉ ra bốn nguyên nhân chính khiến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài muốn mua nhà tại quê hương.

Thứ nhất là do các chính sách mở cửa cho phép người nước ngoài sở hữu và mua nhà tại Việt Nam.

Thứ hai là thu nhập của người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã tăng cao.

Thứ ba là giá nhà ở Việt Nam vẫn quá rẻ so với thị trường nhà đất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada,…

Thứ tư là hiện có rất nhiều Việt kiều sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tích lũy thu nhập cũng có nhu cầu về lại Việt Nam để hưởng hưu trí.

Phần lớn người Việt xuất khẩu lao động sang nước ngoài cũng vì mong muốn vươn lên để thoát nghèo. Môi trường làm việc quốc tế sẽ tạo điều kiện để cộng đồng người Việt đạt mức thu nhập cao. Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy số vốn dao động khoảng 500 – 700 triệu đồng, bình quân gấp 5 – 10 lần so với thu nhập trong nước. Nhờ vậy mà họ có thể chuyển tiền nhờ người thân xây dựng nhà cửa khang trang để sau này về có chốn an cư hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản tại vùng ven để tìm kiếm cơ hội sinh lời.

Lâm Phùng