Với nhiều người có nhu cầu mua để ở hoặc kinh doanh bất động sản, nhà phố xây sẵn là một lựa chọn tốt vì nhìn thấy rõ sản phẩm, không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua nhà phố, bạn cần xem xét kỹ nhiều yếu tố mà Toàn cảnh Bất động sản đã liệt kê bên dưới để tránh việc bị lừa, bị hớ.

Kiểm tra kỹ pháp lý trước khi mua nhà phố

Mua bán nhà phố hiện nay tồn tại 3 loại giấy tờ: giấy tay, sổ đỏ hay sổ hồng. Mua nhà chỉ có giấy tay thì giá rẻ hơn nhưng độ rủi ro rất cao, nhiều trường hợp mất trắng. Bạn nên yêu cầu chủ nhà cung cấp đầy đủ giấy tờ được pháp luật công nhận như sổ hồng, sổ đỏ cùng với các giấy tờ di chúc, thừa kế, phân xử tranh chấp (nếu có)... Thậm chí, cả giấy tờ tuỳ thân của chủ nhà.

Bạn cũng cần kiểm tra kỹ phần “các lưu ý khác" và “các trang bổ sung” trong sổ hồng, sổ đỏ. Hơn nữa, mua nhà phố cần phải xem xét kỹ các giao dịch hiện có của chủ sở hữu như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, có nợ lệ phí gì không… Các thông tin này có thể kiểm tra tại phòng công chứng.

Thông tin về sự tranh chấp với hàng xóm, người nhà, đồng sở hữu… cần được xác minh kỹ, bạn có thể hỏi tổ trưởng dân phố hoặc UBND phường xã nơi đó.

Nếu là nhà phố thương mại (shophouse) thì bạn yêu cầu sàn giao dịch cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án và chủ đầu tư. Đừng quên hỏi các quy định nội bộ về các phí bảo trì, gửi xe, an ninh… 

Tránh mua nhà phố ở khu quy hoạch treo

Điều quan trọng là đừng ham rẻ mà mua nhà phố vướng quy hoạch treo, sau này muốn bán không ai dám mua. 

Để thực hiện các quy hoạch đã duyệt, người ta cụ thể hoá bằng các dự án, tiểu dự án. Khi các dự án đã được giao đất mà triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai thì các dự án đó được gọi là "dự án treo". 

Nhà phố nằm trong quy hoạch treo không được xây dựng mới, không được sửa chữa và cải tạo, phải giữ nguyên hiện trạng. 

toan-canh-bat-dong-san-nha-pho-1629060123.jpg
Khi mua nhà phố, cần kiểm tra quy hoạch của khu vực đó. Ảnh: Unsplash.

Muốn kiểm tra quy hoạch đất, bạn đến Phòng Tài nguyên môi trường ở quận/huyện nơi quản lý nhà phố đó. Để kiểm tra tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, hệ số sử dụng đất, bạn cần đến Phòng Quản lý đô thị ở quận/huyện cùng khu vực.

Làm thế nào để mua nhà phố chất lượng? 

Dù là nhà phố trong khu dân cư hay nhà phố thương mại, chất lượng nhà thông qua xây dựng, nội thất, tiện ích… cần tương xứng với giá bán và nhu cầu của người mua. Bạn cần xem kỹ kết cấu nhà, hệ thống điện nước, thoát hiểm, mức độ xuống cấp và nội thất căn nhà nếu bạn quan tâm nhiều đến nội thất có sẵn. “Tường chung", “tường riêng" hay “tường mượn" là điều cần kiểm tra bằng bản vẽ của chủ nhà, với thông tin của hàng xóm. Nếu mua phải nhà tường mượn, khi nhà kế bên xây, bạn cũng phải xây theo vì bức tường mượn đó hoàn toàn không phải của bạn. Theo kinh nghiệm mua nhà của nhiều người, nhà phố có tường riêng là thuận tiện nhất cho việc xây sửa sau này.

toan-canh-bat-dong-san-mua-nha-pho-1629060128.jpg
Kiểm tra tường, hệ thống điện nước… là điều nên làm khi cân nhắc căn nhà phố muốn mua.

Hơn nữa, căn nhà và người bán cho bạn thuộc nhóm đối tượng nào, cũng cần kiểm tra: chủ nhà thông thường bán nhà do không ở, thay đổi chỗ; chủ nhà là người đầu tư nhà phố (kiểu xây chỉ để bán). Ở nhóm thứ 2, họ thường sử dụng dịch vụ xây dựng nhà phố trọn gói, mục đính kinh doanh và lợi nhuận. Nếu mua của họ, bạn phải để ý thật kỹ chất lượng nhà, vì họ ưu tiên nguyên vật liệu giá thành trung bình hoặc rẻ.

Mua nhà phố Hà Nội và TP. HCM 

Hai thành phố lớn nhất nước cũng là nơi có hoạt động mua nhà phố sôi nổi nhất. Tuy nhiên ở 2 miền sẽ có các đặc trưng khác nhau. Nhà mặt phố Hà Nội thường diện tích nhỏ, khu vực phố cổ đa số nhà cũ. Giá nhà phố Hà Nội cao nhất nước và khu vực, đặc biệt ở khu vực phố cổ. 

Nhà phố TP. HCM thì mới hơn. Các nhà trong hẻm cũng được coi là nhà phố để phân biệt với chung cư, căn hộ. Do đặc điểm xây dựng mà nhà phố ở TP. HCM có khi xây không kiên cố, đóng cọc nông, hoặc thậm chí không làm móng, chất lượng công trình thấp. Bạn cần khảo sát kĩ trước khi mua nhà phố. 

Sau khi sử dụng ba lưu ý trên, bạn có thông tin tương đối đầy đủ về căn nhà phố định mua, thì mới tiếp tục các trao đổi, đàm phán về giá cả. Dù mua để ở, lấy mặt bằng kinh doanh, hay là người đầu tư nhà phố để kinh doanh bất động sản, bạn hãy cố gắng luôn tỉnh táo, sàng lọc kỹ và quyết định đúng lúc nhé!