Sẽ phân bổ tiếp “room” tín dụng trong 1-2 ngày tới
Trong 1-2 ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) còn lại của năm 2022 tới các ngân hàng.
Thông tin này được ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều tối 6/9.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện việc điều chỉnh “room” tín dụng đợt này của Ngân hàng Nhà nước vẫn dựa trên đơn xin “nới room” của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém (hiện Vietcombank và MB đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
Đà Nẵng ì ạch tiến độ đầu tư hạ tầng công nghiệp
Qua thống kê sơ bộ của Sở Công Thương Đà Nẵng, năm 2019, có khoảng 500 cơ sở sản xuất rải rác trong các khu dân cư có nhu cầu thuê mặt bằng trong các CCN để sản xuất. Hiện nay, con số này đã gia tăng, cần có khảo sát, đánh giá nhu cầu tổng thể.
Trong khi đó, việc thu hút đầu tư vào các KCN, Khu công nghệ cao ở Đà Nẵng trong những năm gần đây chững lại, đặc biệt là không thu hút được các nhà đầu tư lớn. Theo Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, cảnh quan trong các KCN đầu tư thiếu đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp. Quy hoạch KCN điều chỉnh nhiều lần, diện tích KCN bị thu hẹp, ngay cả những phần đất đã đầu tư hạ tầng.
Bên cạnh đó, các KCN mới chỉ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội. Nhà xưởng cho thuê trong các KCN còn thiếu, chất lượng nhà xưởng cho thuê và môi trường cảnh quan chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang tập trung vào thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp trong đó khối dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng lớn, gần 65%.
Flamingo xin dừng dự án hơn 2.500 tỷ đồng ở Hồ Núi Cốc
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định về chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Flamingo Holding Group.
Trước đó, ngày 19/7, doanh nghiệp này đã có văn bản xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án đến cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên dù vẫn đang trong thời hạn triển khai.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật; đồng thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến dự án theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Đại Từ và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, thu hồi, chấm dứt hiệu lực hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án (nếu có).
Nguồn: Vietnambiz, Zingnews, Congthuong