Điểm tin bất động sản 21/7: Sốt đất đã được kiểm soát, TP.HCM cảnh báo 3 rủi ro phổ biến về pháp lý

Phạm Ánh Thúy
Sau thời gian biến động, Bộ Xây dựng cho biết, những cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương đã được kiểm soát với giá đất nền giảm 10% - 20%.

Sốt đất đã được kiểm soát

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, giá đất nền hiện nay đã giảm 10% - 20% nhưng giao dịch  rất trầm lắng. Thị trường đất nền cơ bản được kiểm soát sau cơn sốt cục bộ tại một số địa phương hồi đầu năm.

Ngoài trừ đất nền, các phân khúc khác có giá cơ bản ổn định và có xu hướng tăng nhẹ tại một số địa phương. Trong đó, giá nhà chung cư, nhà thấp tầng tăng bình quân khoảng 1% - 4%. Giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương cũng tăng nhẹ so với quý trước, dẫn đầu đà tăng này là Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai. Một số dự án có mức biến động giá cao hơn bình quân khoảng 5-9%.

toan-canh-bat-dong-san-dich-vu-moi-gioi-nha-dat-1623951070.png

Cơn sốt đất nền tại nhiều địa phương đã được kiểm soát.

Ngược lại, giá cho thuê bất động sản đã giảm 1% - 3% so với quý trước. Riêng mặt bằng bán lẻ nhà phố, giá cho thuê giảm đến 10% - 30% tại các thành phố lớn.

TP.HCM: Cảnh báo 3 rủi ro trên thị trường bất động sản

Trong báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm nay, Sở Xây dựng TP.HCM đã cảnh báo về hệ thống các quy định bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh địa ốc. Trong đó, có 3 rủi ro điển hình:

- Một căn hộ bán cho nhiều người: Là tình trạng một bất động sản bị chủ đầu tư, các đơn vị phân phối bán cho nhiều khách hàng khác nhau.

- Bán nhà trên giấy: Dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tiến hành cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán... diễn ra phổ biến trên thị trường.

- Bán nhà nhưng ém thông tin: Nhiều đơn vị môi giới bất động sản, phát triển dự án, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng nhưng không công khai hoặc công khai chưa đầy đủ hoặc chưa trung thực về các thông tin bất động sản.

Trước các hạn chế và rủi ro trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM tăng cường công khai thông tin pháp lý các dự án nhà ở nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật.

An Giang: Phê duyệt đồ án 1/500 khu công nghiệp Vàm Cống

UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu công nghiệp Vàm Cống, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dự án do liên danh Công ty Nippon Koei và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam lập quy hoạch. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang.

Theo quy hoạch, khu công nghiệp có tổng diện tích 199,2 ha, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử, công nghiệp chế biến nông, thủy sản có ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường; kết hợp dịch vụ logistics kho vận.

Khu công nghiệp Vàm Cống có kết nối thuận tiện với TP.HCM qua cầu Vàm Cống và TP. Long Xuyên qua tuyến đường vành đai. Dự án cũng cách Cảng Mỹ Thới (có khả năng tiếp nhận tàu đến 20,000 DWT) chỉ 1.500m về phía Đông Bắc.

Đà Nẵng bác đề xuất điều chỉnh giấy phép xây dựng The Summit Building

Tối qua (20/7), Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết đã có văn bản từ chối đề xuất điều chỉnh giấy phép xây dựng của dự án The Summit Building (350 Nguyễn Văn Linh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê). Trước đó, chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Summit Building đã gửi hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng theo hướng không có tầng tum và giảm chiều cao công trình xuống còn 44,9m, không vượt quá quy định chung theo chủ trương thành phố là 45m.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, công trình thực tế đã thi công tầng tum, tổng chiều cao công trình khoảng 46,4m. Trong lần phản hồi trước đó, sở cho rằng, nội dung chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh là các sai phạm tại công trình mà UBND TP. Đà Nẵng đã xử phạt nên không có cơ sở xem xét.

the-summit-building-da-nang-1626840050.jpg

Dự án The Summit Building. Nguồn: Internet

Hôm 4/5, chủ đầu tư The Summit Building đã bị xử phạt 150 triệu đồng do thi công sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp. UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu đơn vị này, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng. Hết thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh thì bị buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định.

Đề xuất thêm một phố đi bộ tại Nha Trang

Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất cho phép thực hiện dự án phố đi bộ - chợ đêm Bãi Tiên tại khu vực núi Hòn Một (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang). Theo đó, dự án có diện tích 4.867m2, trong đó diện tích đất giao thông khoảng 2.600m2, gồm lòng đường và vỉa hè của đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh.

Nếu được thông qua, phố đi bộ - chợ đêm Bãi Tiên có thời gian hoạt động từ 18 giờ hôm trước tới 2 giờ sáng hôm sau. Tuyến đường có chiều dài khoảng 260m, bao quanh chân núi Hòn Một, 2 đầu nối với đường Phạm Văn Đồng.

Phố đi bộ đầu tiên của Nha Trang hoạt động từ năm 2010, nằm trên đường Nguyễn Thi, gần trung tâm hội nghị tỉnh Khánh Hoà. Đây là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến du lịch ở Nha Trang.

T.H