Cần cải thiện chất lượng sống cho lao động nhập cư
Trải qua 4 tháng phong toả, hàng trăm nghìn người lao động nhập cư không trụ nổi tại các thành phố lớn, buộc lòng trở về quê để tìm cách mưu sinh. Đến nay, tuy bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhưng hầu hết các nhà máy vẫn không thể tuyển đủ lượng nhân công cho dây chuyền sản xuất do thiếu hụt lao động. Đây là thực trạng hiện này và cũng chính là nỗi lo lớn của các chủ doanh nghiệp sản xuất, họ cho rằng khó có thể đạt được năng suất hiệu quả như thời kỳ trước dịch.
Chia sẻ với GS.TS. Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, ông nhận định “thóc đâu bồ câu đấy”, người dân lao động vẫn sẽ quay trở lại làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là TPHCM, nơi người dân cởi mở và là mảnh đất dễ sống nhất cả nước.
Tuy vậy, ông cho rằng để lao động nhanh chóng quay lại các thành phố lớn, nước ta cần đưa ra được những chính sách quan tâm hơn đến đời sống của người dân nhập cư. Theo đó, có 3 chính sách lớn cần được thực hiện:
Thứ nhất là nhà ở. Hơn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với chất lượng sống rất thấp.
Thứ hai là đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội khác như giáo dục, y tế ngang bằng với những người dân có hộ khẩu thường trú.
Thứ ba là cải tiến chế độ tiền lương. So với các nước khác trong khu vực, mặt bằng đời sống công nhân nước ta thấp hơn về thu nhập, nhà ở, hưởng thụ các loại dịch vụ xã hội và đời sống tinh thần. Chỉ khi có tích lũy tốt thì người lao động mới có khả năng chống chịu được những rủi ro như covid-19 trong dài hạn.
“Một khi người công nhân được chăm lo tốt cho đời sống, sức khỏe, học hành cho con cái, đảm bảo được chế độ an sinh, có tích lũy thì họ sẽ làm ra sản phẩm nhiều hơn, tốt hơn và cố nhiên họ sẽ gắn bó hơn chứ không cần phải kêu gọi họ ở lại, ngăn cản không cho về quê…”, Ông Hòa nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại TPHCM hiện có hơn 12.500 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bị bỏ hoang. Thời gian qua, dù đã liên tục xuống giá nhưng những căn hộ và nền đất này vẫn chưa tìm được chủ sở hữu. Trong khi đó theo thống kê gần nhất có hơn 250.000 công nhân viên chức chưa tìm được nơi an cư để lạc nghiệp. Chính vì thế nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM nên tính đến phương án bán tất cả căn hộ này cho công nhân viên chức theo phương thức mua nhà trả góp. Cách thức này không chỉ giúp TPHCM giải quyết được “hàng tồn đọng” mà còn tạo cơ hội cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp có nhà ở ổn định
Nhiều rủi ro khi mua nhà ở xã hội
Dù biết an cư thì mới lạc nghiệp, hầu hết người dân nhập cư đến sinh sống tại các thành phố lớn đều không đủ tiền để sở hữu một ngôi nhà riêng. Đa số các gia đình công nhân viên chỉ có thể ở nhờ, thuê trọ hoặc ở ghép. Chính vì thế chính sách nhà ở xã hội - những căn hộ giá rẻ hơn thị trường được hình thành để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình có mức thu nhập thấp.
Do nhu cầu cao trong khi lượng cung vẫn còn hạn chế, tiêu chí để chọn người mua nhà ở xã hội cũng rất khắt khe. Bên cạnh vấn đề về nguồn tiền, người mua nhà ở xã hội phải thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 49 và đáp ứng các điều kiện theo Điều 51 của Luật nhà ở 2014. Mặt khác, mục đích chính của nhà ở xã hội là phục vụ lưu trú cho hộ gia đình có thu nhập thấp, để tránh tình trạng mua đi bán lại gây tăng giá luật cũng quy định người sở hữu chỉ được bán lại loại nhà ở này sau thời hạn 05 năm.
Với mong muốn có được nơi định cư lâu dài, nhiều người không tiếc chi thêm hàng trăm triệu “đi đêm” để có được suất mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên ham muốn ấy lại trở thành miếng mồi ngon để những cá nhân hoặc tổ chức tận dụng để áp các chiêu thức lừa đảo, đưa người mua vào những rủi ro pháp lý và bờ vực “trắng tay”.
“Đi đêm” để sở hữu quyền mua nhà ở xã hội
Khi biết mình nằm trong diện đối tượng ưu tiên thuê mua nhà ở xã hội, dù không dư dả về tài chính nhiều người dân chấp nhận “đi đêm” để có được quyền mua nhà. Tuy nhiên, theo các luật sư đánh giá, việc làm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu chính quyền rà soát chặt chẽ có thể khiến người mua lâm vào tình cảnh mất trắng số tiền đã đặt cọc.
Mua nhà ở xã hội đã có chủ, nhưng chưa đủ thời hạn 5 năm
Theo Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định người thuê mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Khi có nhu cầu bán nhà ở, chỉ được bán lại cho hai đối tượng là: đơn vị quản lý nhà ở xã hội và đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội.
Tuy đã được quy định rõ, nhiều người dân vẫn “lách luật” bằng những loại hợp đồng ủy quyền, di chúc, lập vi bằng, giấy tay,… Hình thức này sẽ khiến người mua dễ rơi vào các rủi ro pháp lý, cụ thể:
Thứ nhất là, xét về pháp lý, việc mua bán nhà đất bằng các hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc, lập vi bằng, giấy tay,… không qua công chứng, chứng thực được xem là vô hiệu và không đủ cơ sở pháp lý để được pháp luật bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra.
Thứ hai là, người bán đổi ý không chuyển nhượng sang tên và đòi lại nhà. Người mua lúc này giữ hợp đồng vô hiệu cũng không thể khởi kiện, số tiền chi cho căn nhà cũng xem như mất trắng.
Thứ ba là vật đổi sao dời theo từng giờ, vào thời điểm 5 năm sau người mua xác định được chủ nhà của mình đang ở phương trời nào. Nếu chủ nhà vô tình quên “lời hứa mua bán” nhà ở xã hội và đã đi định cư sang quốc gia khác thì thủ tục sang tên đổi chủ cũng khó lòng được thực hiện.