10 năm sau kết hôn, năm 2017, vợ chồng tôi cũng dành dụm gần một tỷ cho kế hoạch mua nhà. Có con nhỏ và không muốn nợ nhiều nên chúng tôi dự định mua căn nhà tầm khoảng 1,2 tỷ. Dành dụm được 1 tỷ, thì khoản nợ 200 triệu không nhiều, nếu cố gắng làm và tiết kiệm, cao nhất là 2-3 năm, chúng tôi vẫn có thể vừa sống thong thả vừa trả nợ.

Có tiền chưa chắc đã mua được nhà đúng ý 

Nhưng chung cư 1,2 tỷ thì hoặc nhỏ, hoặc hơi xa trung tâm, chưa kể trong quá trình đi tìm nhà, cứ nghe tôi nhắc đến việc đang cân nhắc mua căn chung cư tầm giá đó, bạn bè đều phản đối. Có em trai làm công ty xây dựng về kể, chung cư tùy tầm giá đó chất lượng không tốt. Người đang sống ở chung cư phàn nàn rằng muốn khoan một chỗ để treo tranh cũng xin phép quản lý, hàng xóm ồn ào thế nào, chung đụng ra sao. Người từng mua đi bán lại vài căn, bảo, chung cư chỉ có giá lúc còn mới, sau đó xuống giá theo sự xuống cấp. Mọi người đều bảo tôi cân nhắc chuyện mua chung cư tầm giá đó.

nha-chung-cu-1630170957.jpg
Có một căn nhà - tổ ấm đúng nghĩa để an cư ở Sài Gòn hoa lệ là mong muốn của nhiều người.

Số tiền 1,2 tỷ mua nhà đất nói đơn giản cũng đơn giản, muốn phức tạp cũng phức tạp. Đơn giản vì tầm giá đó, phân khúc của chúng tôi khá rộng, phức tạp vì, 80% những căn nhà này không đủ điều kiện cơ bản về ngôi nhà mà chúng tôi muốn như diện tích đất tầm 40m2, hẻm rộng ít nhất 2m – có thể dễ dàng thoát thân nếu có cháy nổ; sổ riêng để tiện các thủ tục pháp lý sau này.

Mức giá này, quận nội thị hoặc những vùng đất giáp ranh trung tâm không thể có nhưng càng ra xa, hướng về Hóc Môn, Củ Chi, quận 9, quận Thủ Đức sẽ dễ hơn. Thế là trong suốt gần hai tháng, hoặc chiều về, đón con xong, cả nhà ba người lại đèo nhau đi xem đất, đi coi nhà. Hoặc đi từ sáng đến tối ngày cuối tuần, hoặc đang làm việc, chồng lại hú tôi “căn nhà này được lắm”.

Nhiễu loạn thông tin 

Vợ chồng tôi tham khảo nhiều nguồn từ thông tin quảng cáo trên báo, đến dân môi giới nhà đất, bạn bè, người quen. Nghe đâu có căn nhà mà “nhang nhác" mong muốn của mình là chúng tôi sắp xếp đến xem.

Thông tin trong mục quảng cáo trên các trang báo hầu hết là do dân môi giới nhà đất. Và đi xem nhiều tôi mới biết nhà rao lên một đằng, nhà bán một nẻo là chuyện “cơm bữa".

ke-hoach-mua-nha-1630170957.jpg
 Nhà rao lên một đằng, nhà bán một nẻo là chuyện “cơm bữa".

Có khi họ lấy hình một căn nhà nào đó, gắn thông tin họ muốn vào. Nên khi liên lạc thì họ bảo nhà đã bán, lúc khác, căn nhà và địa chỉ họ dẫn bạn đến chẳng liên quan. Họ luôn ra vẻ chủ nhà kẹt tiền, bạn đang mua hời, nên đặt cọc gấp, nếu không có người khác mua. 

Trước những cái “bánh vẽ” rất to của cò đất, vợ chồng tôi đều cố giữ cái đầu "tỉnh". Chúng tôi xin bản photo giấy chứng nhận những căn nhà hợp nhãn, bảo về bàn bạc thêm nhưng thật ra là kiểm tra mặt bằng giá của khu đất, kiểm tra vị trí đất, thế đất, mang ra phòng Tài Nguyên Môi trường quận hỏi về các khả năng nợ nần, tranh chấp, quy hoạch. Thậm chí, chúng tôi còn phải tính luôn khả năng có thuận tiện trường học, chợ búa... Sau hàng loạt danh sách check như thế, thể nào, vợ chồng tôi cũng phát hiện những cái bánh vẽ từ dân môi giới to và hoang tưởng đến nhường nào.

Những căn nhà bạn bè hay người quen giới thiệu, thường có tính tự phát nên thông tin không đầy đủ và thường là “khó ăn” với đội môi giới nên cũng không dễ dàng cho người mua. Ví dụ như một căn trên đường Võ Văn Hát (quận 9 hồi đó, nay là TP. Thủ Đức) do một anh đồng nghiệp trong công ty chồng giới thiệu. Căn nhà được thiết kế khá đẹp nhưng vị trí đất không đẹp – hẻm cụt, giá cao do đã sang nhượng nhiều chủ. Tiếp đó là vì không có người môi giới nên tôi phải tiếp cận hàng xóm, nhờ hàng xóm lấy số chủ nhà, tự liên hệ với chủ nhà, rồi mới tiến hành các bước như thông qua môi giới bình thường. Điểm cộng của việc mua nhà làm việc trực tiếp với chủ là không tốn tiền cò nên được bớt thêm tầm 20 triệu cho căn nhà.

Một phen “hết hồn" vì  thiếu kinh nghiệm 

Sau 3 tháng chạy hết hàng trăm bình xăng của chiếc xe Lead, vợ chồng tôi cũng tìm được một căn nhà ưng ý trên đường Lã Xuân Oai, quận 9 với giá 1,7 tỷ. Điều này đồng nghĩa, số tiền mà hai vợ chồng cần vay là 700 triệu. “Cố gắng một chút”, hai vợ chồng nhìn nhau, quyết định.

Sau khi xác định tất cả các quy trình của căn nhà cần mua, trao đổi với chủ nhà cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành tất cả thủ tục ở phòng Công chứng. Công chứng xong, với chiếc balô đầy những cọc tiền 500.000 đồng, 200.000 đồng, vợ chồng tôi, vợ chồng chủ nhà chở nhau đến ngân hàng, vào quầy làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm cho chủ nhà. Nhìn chiếc máy đếm tiền chạy xoèn xoẹt, nhìn cô thu ngân cầm từng cọc tiền cho vào tủ, tôi chỉ nghĩ đến một việc là “mình không sợ bị cướp giật mất balo".

vay-tien-mua-nha-1629651715.jpg
Căn nhà 1 trệt 1 lầu cuối hẻm rộng ở quận 9 mà vợ chồng tôi ưng ý sau khi xem gần chục căn khác nhau. Ảnh: Lan Nhã.

Mãi đến khi rời khỏi ngân hàng, về lại căn nhà, tôi với chồng nhìn nhau, thảng thốt: tất cả giấy tờ mua bán, công chứng đang trong tay cò dịch vụ – người được chủ nhà nhờ vả và 1,7 tỷ vợ chồng tôi vừa gom góp tất cả trong nhà, vừa vay mượn đã chuyển sang tay cho chủ nhà mà không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh. Nếu lúc này, chủ nhà bất ngờ lật kèo, chúng tôi sẽ không có bất kỳ bằng chứng nào về giao dịch vừa diễn ra lúc nãy, rằng tiền đã trao nhưng cháo chưa múc…

Vợ chồng tôi sợ đến mức không dám hỏi bất kỳ điều gì với người bán, cũng chẳng dám hỏi người làm dịch vụ. Suốt hai tuần chờ đợi, hai vợ chồng cũng không dám mở miệng nói điều gì không may mắn, chỉ thỉnh thoảng, lại nhìn nhau, thở dài một cái.

May mắn là đúng hạn, người làm dịch vụ chủ động liên hệ với chúng tôi, bàn giao tất cả giấy tờ nhà. Hai vợ chồng vui đến mức, nhận xong giấy tờ, chủ động gửi thêm một ít để “anh uống cà phê".

Về đến nhà, mở giấy chứng nhận đến mục có tên hai vợ chồng trên đó, cả hai mới thở phào. May là không bị lừa, và từ hôm đó, vợ chồng tôi đã có căn nhà một trệt một lầu ở TP.HCM với chiếc sân nhỏ đặt vài chậu cây xanh mát mắt.